Làn sóng dịch Covid lần thứ tư diễn biến phức tạp, có mức độ ảnh hưởng đến thị trường lao động, việc làm lớn hơn nhiều so với cả ba đợt dịch trước cộng lại.
Cắt giảm lao động là giải pháp phổ biến
Khảo sát của Navigos Group – tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự, với sự tham gia của 400 doanh nghiệp và 1200 người tìm việc (thực hiện trong tháng 8/2021), cho thấy khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra, đồng thời, có khoảng 11,6% doanh nghiệp tiếp tục gia tăng tuyển dụng trong thời điểm này.
3% doanh nghiệp đã tạm thời dừng hoạt động; 9,4% doanh nghiệp đã chọn cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương, 7,3% đã cắt giảm nhân sự nhưng vẫn giữ nguyên lương, phúc lợi trước khi đại dịch xảy ra, và 18,9% chọn cắt giảm lương & phúc lợi nhằm giảm chi phí cho nguồn nhân lực hằng tháng cũng như thu nhỏ lại quy mô doanh nghiệp.
Đáng chú ý, đa số các doanh nghiệp trong mảng Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm, CNTT và xuất-nhập khẩu không cắt giảm nhân sự, giữ nguyên lương và phúc lợi.
Bên cạnh đó, mức độ tăng trưởng về tuyển dụng tại các doanh nghiệp trong thời gian này tại Hà Nội có tỷ lệ cao hơn TP. Hồ Chí Minh, lần lượt là 50% và 45,2%. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT có quy mô từ 101 – 300 nhân lực có sự tăng trưởng lớn nhất về tuyển dụng nhân sự. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại Hà Nội có quy mô 10-50 nhân lực và 101-300 nhân lực còn chú trọng tăng tuyển nhân sự cho các vị trí Kinh doanh/Bán hàng.
Doanh nghiệp mảng Du lịch/Khách sạn cắt giảm lương nhiều nhất – Doanh nghiệp ngành Tài chính – Bảo hiểm – Ngân hàng cắt giảm lương ít nhất. Khoảng 3,7% doanh nghiệp có quy mô từ 10-100 nhân lực đã giảm 80% lương. Đây là những doanh nghiệp thuộc ngành Nhà hàng/Khách sạn/Du lịch – Giáo dục/Đào tạo. 9,9% doanh nghiệp có quy mô từ 51-300 nhân lực thuộc ngành Giáo Dục/Đào tạo đã cắt giảm 50-75% lương.
37,9% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm 25-50% lương và phúc lợi. Đây là những doanh nghiệp có quy mô từ 10-50 nhân lực, 301-500 nhân lực và hơn 1000 nhân lực. Doanh nghiệp chủ yếu đến từ ngành Bất động sản/Cho thuê ngắn hạn, dài hạn – Xây dựng/Kiến trúc – Gia công/Chế biến/Sản xuất.
29,2% doanh nghiệp thuộc ngành Nhập khẩu/Xuất khẩu – Thương mại/Bán lẻ/ Bán sỉ – Dịch vụ quảng cáo/Tiếp thị trực tuyến/Truyền thông có quy mô từ 101-300 nhân lực, 301-500 nhân lực, 501-1000 nhân lực và hơn 1000 người, đã cắt giảm 15%-20% lương và phúc lợi trong thời gian khó khăn.
19,3% doanh nghiệp cắt giảm ở mức thấp nhất là 5-10% lương và phúc lợi. Họ là những doanh nghiệp có quy mô hơn 1000 người lao động đến từ ngành Điện tử – Điện tử viễn thông, Tài chính/ Ngân hàng/ Bảo hiểm.
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi Covid, nhiều doanh nghiệp có xu hướng giữ chân các nhân sự có thâm niên hoặc các nhân sự đang giữ các vị trí cấp trung và cấp cao. Đối với các nhân sự là Thực tập sinh và Sinh viên mới ra trường, tỷ lệ cắt giảm các vị trí này là 40,5%. Đối với các nhân viên có ít kinh nghiệm, tỷ lệ này lên đến 42,3%.
Kết quả của khảo sát cho thấy vẫn có nhiều doanh nghiệp cố gắng bảo toàn hoạt động của mỗi phòng ban để cùng nhau vượt qua cơn bão Covid-19 lần này. Tuy vậy, Hành chính – Thư ký hiện là một trong những phòng ban mà doanh nghiệp sẽ lựa chọn đầu tiên trong đợt cắt giảm với 12,3% ý kiến của doanh nghiệp tham gia khảo sát. Tiếp theo là phòng Kinh doanh/Bán hàng chiếm 8,4% và Phòng Chăm sóc Khách hàng chiếm 4,7% ý kiến.
Theo khảo sát, có khoảng 3% doanh nghiệp phải dừng hoạt động bởi ảnh hưởng của Covid-19 lần thứ tư. Trong đó có khoảng 25% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Nhà hàng/Khách sạn/Du lịch và Giáo dục/Đào tạo, có quy mô nhân lực từ 10-50 người đến 301-500 người đã dừng hoạt động.
Ngoài các ngành được nêu trên thì 16,7% thuộc ngành Xây dựng/Kiến trúc (quy mô 10-50 người), 16,7% là doanh nghiệp chuyên Gia công/Chế biến/ Sản xuất (quy mô 301-500 người), đang chịu ảnh hưởng nặng nề để có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian này. Với quyết định dừng hoạt động này, có thể thị trường tuyển dụng trong các lĩnh vực kể trên sẽ có nhiều biến động hơn và buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng đưa ra biện pháp để tiếp cận và thích nghi để có thể quay trở lại thị trường tuyển dụng.
Tuyển dụng mới sẽ tăng, nhưng ở vị trí nào?
Khảo sát của Navigos Group cho thấy, 56,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ tuyển dụng ngay lập tức sau khi quay trở lại hoạt động bình thường.
Ngoài ra, khảo sát còn cho thấy có khoảng 17,5% chưa thể ra đươc quyết định ngay lập tức liệu họ có thể tuyển dụng trở lại hay không. Bên cạnh đó, cũng có các doanh nghiệp cần thêm thời gian từ nửa tháng đến sau 6 tháng mới có thể tiếp tục tuyển dụng trở lại. Các con số này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn cần sự phục hồi để có thể quay trở lại thị trường lao động.
Bên cạnh đó, 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ tuyển nhân viên hoàn toàn mới. Đây là một điểm đáng chú ý cho nhà tuyển dụng và người tìm việc. Có thể nói đây cũng là cơ hội quý giá cho các ứng viên đang đi tìm việc. Bên cạnh đó, vẫn có khoảng gần 37% doanh nghiệp tham gia khảo sát ưu tiên tuyển những người đã từng làm việc ở công ty sau đó mới tuyển người mới và 16,2% doanh nghiệp sẽ tuyển những người đã từng làm việc tại công ty ngay trước khi dịch bệnh xảy ra.
Số liệu của báo cáo cũng cho thấy, Phòng Kinh doanh – Bán hàng sẽ được tuyển dụng đầu tiên với gần 29% ý kiến của doanh nghiệp tham gia khảo sát. Tiếp theo là phòng Công nghệ thông tin với 21%. Phòng Marketing với 10,5%, Phòng Chăm sóc Khách hàng với 8% và phòng Tài chính kế toán với 5,4%.
Người lao động cũng loay hoay
Dữ liệu từ báo cáo của Navigos Group cho thấy hơn 87% người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Có thể thấy rằng đợt dịch Covid lần thứ 4 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động.
Khi được hỏi về tình trạng hiện nay, có đến 41,5% người lao động cho biết họ đã thôi việc và chưa có việc làm mới. Về lý do thôi việc, hơn 30% ứng viên cho biết họ nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự của công ty. Tiếp theo, lý do người lao động nghỉ việc do bị cắt giảm lương và chế độ phúc lợi chiếm gần 25%.
Theo một thống kê khác trong bản báo cáo, lý do khiến người lao động chưa muốn chuyển việc trong thời điểm này chủ yếu là không tìm được công việc phù hợp để ứng tuyển với 67% ý kiến từ người tham gia khảo sát. 30% cho biết họ đã gửi hồ sơ cá nhân (CV) nhưng chưa được nhà tuyển dụng liên hệ. 22% cho biết các công ty không tuyển dụng trong thời gian này nên các cơ hội việc làm lại càng khan hiếm. 20,1% người cho rằng vị trí mà các công ty đang tuyển dụng không phù hợp với khả năng và định hướng nghề nghiệp của họ.
Với những người làm việc tại nhà cũng gặp nhiều thách thức. Qua khảo sát, có 64% ứng viên cho biết họ đang làm việc tại nhà 100%. Nằm trong Top 3 các khó khăn thường gặp nhất khi làm việc từ xa bao gồm: Thiếu kết nối với quản lý trực tiếp và với đồng nghiệp chiếm gần 27% ý kiến – Hiệu quả lao động giảm sút chiếm gần 24% – Mất tập trung, sao nhãng trong công việc với 18% ý kiến đồng tình.
Ngoài ra, những khó khăn khác cũng được số ít người lao động đưa ra như: Mạng wifi chậm, kết nối kém, không xác nhận được tình hình sản xuất thực tế, các hồ sơ chứng từ chưa được số hóa toàn bộ, thiếu công cụ phục vụ công việc, các thành viên không theo sát thời gian hoàn thành công việc, khó liên lạc và không giải quyết được vấn đề khẩn cấp…
Đứng trước những ảnh hưởng tiêu cực mà dịch Covid lần thứ 4 gây ra, rất nhiều người lao động đã phải nghỉ việc và chưa tìm được việc làm mới. Chính vì thế, biện pháp để đảm bảo cuộc sống trong thời gian giãn cách khó khăn này được 51,5% người lao động áp dụng là tiết kiệm lại chi phí sinh hoạt gia đình, tính toán chi tiêu hợp lý hơn. Một biện pháp khác được 24,3% lựa chọn làm thêm bán thời gian một công việc thời vụ để đảm bảo thu nhập cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó 16,6% số người đã nghỉ việc và chưa có việc làm thêm đã phải sử dụng đến tiền tiết kiệm, tích lũy trong thời gian này. Một số người lao động đã chọn phương án về quê để giảm tiền phòng trọ trên thành phố. Những phương pháp khác được người lao động đưa ra như: Vay tiền để trang trải cuộc sống, đầu tư chứng khoán, đàm phán lương với công ty hiện tại, học nghề mới, tự kinh doanh riêng…
Theo thống kê từ cuộc khảo sát, khi được hỏi về dự định trong tương lai, gần 52% người lao động cho biết sẽ chuyển việc sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Bên cạnh đó, hơn 30% người lao động quyết định vẫn sẽ làm việc tại công ty nếu lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên. 11% người lao động sẽ đề nghị tăng lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên sau khi hết dịch.
Những hướng đi khác được số ít người lao động lựa chọn là: Tìm kiếm công việc yêu thích, đúng chuyên môn ngành nghề, tìm công việc mới với mức lương và chế độ phúc lợi tốt hơn, tìm việc làm mới ổn định, có thể gắn bó lâu dài…