Nhu cầu mua ô tô tăng mạnh ở Mỹ nhưng doanh số bán ô tô mới tại đây lại sụt giảm ít nhất 13% trong quý 3.
Chấp nhận trả thêm phí để mua ô tô
Được biết, nhiều người Mỹ đang tiếp tục phải trì hoãn kế hoạch mua ô tô do nhiều mẫu xe khan hàng và tăng giá. Có khách mua hàng thậm chí phải chờ đợi cả tháng nhưng vẫn chưa được nhận xe.
CNN đưa tin, doanh số bán xe của General Motors quý vừa qua đã giảm tới 1/3 so với năm trước. Toyota tại Mỹ, doanh số cũng giảm 22% trong quý 3 dù là một hãng ít bị gián đoạn chuỗi cung ứng. Theo tìm hiểu, tình trạng thiếu chất bán dẫn và hàng tồn kho thấp khiến giá xe tăng cao kỷ lục trong năm nay.
Nguồn cung xe bị hạn chế do thiếu hụt các bộ phận như chip điện tử và các vấn đề chuỗi cung ứng khác khiến các nhà máy ô tô phải đóng cửa liên tục trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.
CNBC cho biết, tình trạng thiếu hàng tồn kho đã trở nên tồi tệ trong hơn 1 năm qua. Trong tháng 9, ước tính chỉ có 1 triệu xe ô tô được bán ra. Doanh số này được đánh giá là thấp nhất trong thập kỷ qua.
Nguồn cung xe dự báo sẽ được cải thiện trong quý 4, nhưng sẽ chưa thể trở lại bình thường cho đến năm 2023.
Mỗi chiếc ô tô đều cần ít nhất 20 – 30 chip điện tử. Đó là chưa kể ô tô hạng sang, trang bị công nghệ cao. Thị trường ô tô ở Mỹ cần tới hàng trăm tỷ chip điện tử mỗi năm. Dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng chất bán dẫn cho ngành sản xuất ô tô.
Theo New York Times, trung bình giá bán 1 chiếc xe ô tô mới trong tháng 9 ở Mỹ khoảng 42.802 USD. Mức giá này tăng 12.000 USD so với cùng thời điểm năm 2020. Hàng tồn kho khan hiếm khiến các nhà sản xuất và đại lý thu được lợi nhuận lớn.
Trong khi đó, thời điểm này, các khách hàng mua xe ô tô tại Mỹ đều phải chấp nhận trả thêm các khoản chi phí, lên tới hàng nghìn USD. Nhiều người chấp nhận tìm đến các đại lý xa hàng trăm cây số để mua xe. Số khác chuyển sang mua ô tô đã qua sử dụng.
Theo dữ liệu của hãng Black Book chuyên về thị trường xe hơi tại Mỹ, trong một năm qua, xe ô tô đã qua sử dụng tại Mỹ đã tăng 30%. Chính điều này đã tạo ra nhiều tình huống kỳ lạ người tiêu dùng bán xe cũ mà vẫn có lời so với số tiền họ phải bỏ ra mua xe mới trước đó.
Nguyên nhân gây khủng hoảng chip toàn cầu
Covid-19 gây ra bất ổn. Đơn đặt hàng năm 2020 cũng có sự thay đổi mạnh mẽ. Trong khi đó, các nhà sản xuất chip nỗ lực nâng công suất để theo kịp nhu cầu giữa đại dịch.
Trong chuỗi khủng hoảng này, giới sản xuất ôtô bị ảnh hưởng đầu tiên. Trước Covid-19, ngành công nghiệp này đánh giá thấp nhu cầu mua sắm phương tiện, nên không chuẩn bị đủ lượng chip cần thiết khi đại dịch xảy ra. Hiện các hãng ước tính bỏ lỡ doanh thu khoảng 61 tỷ USD trong năm nay.
Bên cạnh đó, theo nhà sản xuất TSMC, việc khách hàng trong nhiều lĩnh vực tích lũy hàng trong kho nhiều hơn mức bình thường để phòng trước những điều bất ngờ, dẫn đến sự thiếu hụt ngày càng trầm trọng.
Nikkei Asia cho rằng, một nhà máy Samsung ở Texas đóng cửa sau cơn bão mùa đông làm cho tình trạng trở nên căng thẳng hơn. Nhà máy chip này, chịu trách nhiệm cho 5% nguồn cung toàn cầu, phải ngừng hoạt động từ ngày 16/2, gây ảnh hưởng rộng tới chuỗi cung ứng.
Tại cuộc họp cổ đông ngày 17/3, Koh Dong-Jin, đồng CEO giám sát bộ phận di động của Samsung cho biết: “Đang có sự mất cân bằng nghiêm trọng về nguồn cung và cầu chip trong lĩnh vực CNTT trên thế giới”.
Ông Koh cũng cho biết, công ty cũng đang cân nhắc không ra mắt Galaxy Note thế hệ mới – một trong những dòng smartphone bán chạy nhất của hãng năm nay. Giải thích về điều này, ông cho biết là để hợp lý hóa các dòng sản phẩm của hãng.
Tuy nhiên nhận định về động thái này trên SCMP, Avi Greengart, nhà phân tích và nhà sáng lập công ty tư vấn Techsponential cho rằng: “Nếu Samsung công khai nói về kế hoạch sản phẩm trong tương lai, có nghĩa là khủng hoảng silicon đang rất nghiêm trọng”.
Austin (Texas) cũng quy tụ nhiều nhà máy bán dẫn quan trọng. Sự cố mất điện vì bão tuyết khiến một số nhà máy như NXP Semiconductors NV (Hà Lan) hay Infineon Technologies (Đức) tạm ngừng hoạt động. Đây là những nhà máy chuyên cung cấp chip cho ngành công nghiệp ôtô.
Tesla đã dừng một nhà máy ở California hồi cuối tháng 2 vì thiếu linh kiện. Honda Motor cũng ngừng hoạt động tại 5 nhà máy ở Mỹ và Canada trong khoảng một tuần bắt đầu từ 22/3, do nguồn cung chip bị gián đoạn. Nio, công ty xe điện của Trung Quốc được so sánh với Tesla, nhà sản xuất ôtô cao cấp đầu tiên của nước này cũng phải tạm ngừng sản xuất vì không đủ chip.
Cát Anh (T/h)