TP.HCM đang dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế theo “trạng thái bình thường mới”, tuy nhiên một số dịch vụ vẫn đang “lao đao” khi chưa rõ ngày trở lại.
Kinh doanh trong không gian kín “bế tắc“
Các đợt giãn cách liên tục trong nhiều tháng qua đã khiến cho loạt doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh giải trí, ăn uống, chăm sóc sắc đẹp,… tại chỗ gần như ngừng hoạt động. Đã gần 1 năm không có doanh thu, những doanh nghiệp này vẫn phải gồng gánh chi phí cố định, chờ mong ngày mở cửa, với hy vọng phục hồi kinh doanh.
Mới đây, trong công văn gửi đến Thủ tướng và UBND TP.HCM, đại diện của 20 nhà sản xuất, phát hành phim đã đưa ra kiến nghị được phục hồi kinh doanh. Các doanh nghiệp này cam kết thực hiện nghiêm chỉnh quy định phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân viên và khách hàng. Họ chia sẻ rằng, nếu đến đầu năm 2022 rạp chiếu phim mới được hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp điện ảnh không kể lớn hay nhỏ sẽ đều đứng trước nguy cơ phá sản.
Giám đốc nội dung của hệ thống rạp chiếu phim CGV, ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ, trong 4 tháng qua, hệ thống rạp chiếu phim của CGV đóng cửa trên toàn quốc. Dòng tiền trong kinh doanh trở thành thách thức lớn nhất của họ. Trong bối cảnh doanh thu phòng vé gần như bằng 0, CGV vẫn phải chật vật chi trả các chi phí suốt thời gian qua.
Tuy không có văn bản kiến nghị chính thức như các nhà sản xuất, phát hành phim nhưng các hệ thống kinh doanh karaoke, quán bar cũng đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong thời gian giãn cách, họ phải xoay xở chi phí cố định bằng việc chuyển đổi lĩnh vực sang kinh doanh thực phẩm để duy trì hệ thống.
Tương tự, các quán bar, club, karaoke, hàng ăn uống… ở phố đi bộ Bùi Viện vốn nổi tiếng bởi hoạt động kinh doanh sôi động, nhộn nhịp, tuy nhiên sau nhiều tháng ngừng hoạt động, hiện nay nhiều quán bar, nhà hàng đã chuyển sang thành quầy bán rau củ, thịt, cá… Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động vẫn là áp lực rất lớn đối với họ.
Ngày mở cửa vẫn là tương lai xa
Các hoạt động kinh doanh giải trí như rạp chiếu phim, quán bar, karaoke,… đều là những loại hình kinh doanh trong môi trường khép kín, có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Do đó, để đảm bảo an toàn, những dịch vụ này thường sẽ được mở cửa sau cùng. Nhiều doanh nghiệp nắm bắt được tình hình hiện tại nên đành ngậm ngùi chờ dịch bệnh diễn biến tích cực hơn.
Giám đốc nội dung của hệ thống rạp chiếu phim CGV cũng cho biết thêm, trong giai đoạn giãn cách xã hội, CGV ứng phó bằng cách mở rộng phát triển các nội dung trực tuyến. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động này không cao, chỉ mang tính duy trì kết nối với khán giả.
Ông Hải đề nghị:
“Với mong muốn khôi phục lại hoạt động kinh doanh của các rạp chiếu phim tại Việt Nam nói chung và CGV nói riêng, chúng tôi hy vọng chủ trương mới của Chính phủ sẽ cho phép nhà rạp được phép mở cửa hoạt động trở lại vào đầu tháng 11, khi mà các trung tâm thương mại đã được hoạt động lại”.
Theo ông Hải, hệ thống rạp của CGV khi được hoạt động trở lại sẽ tuân thủ những quy tắc như: Tiến hành khử khuẩn hàng ngày bằng các thiết bị chuyên dụng, trang bị đầy đủ dụng cụ khử khuẩn cho nhân viên lẫn khách hàng, đo thân nhiệt trước khi vào rạp, khuyến khích khách hàng đặt vé trực tuyến và sử dụng vé xem phim điện tử để hạn chế tiếp xúc,… Hiện nay 100% nhân viên của CGV làm việc tại rạp đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19.
Điều các doanh nghiệp kinh doanh trong không gian kín mong muốn là cơ quan chức năng sẽ cho phép họ chậm trả lãi ngân hàng, cho vay với lãi suất thấp, kéo dài thêm thời hạn trả nợ, không phạt việc chậm trả nợ,… để những người kinh doanh có thể xoay xở và đủ khả năng mở cửa khi được phép hoạt động trở lại.