Sau Covid-19, nền kinh tế thế giới dần phục hồi, tuy nhiên, tàn dư của nó buộc các nhà chức trách vào cuộc quyết liệt nhất là khi tình trạng chuỗi cung ứng hàng hóa bị ùn ứ.
Tại Mỹ, điều này trở nên nghiêm trong khi nhiều cảng lớn hiện đang quá tải. Tại cảng lớn thứ 3 sau Los Angeles, cảng Savannah (Georgia) chứng kiến cảnh gần 80.000 container chất thành núi cao vượt mức 50% so với mức trung bình.
Do cảng Savannah hoạt động hết công suất, cơ quan chức năng đơn vị này buộc các tàu phải “lênh đênh” trên biển hơn 9 ngày. Vào một buổi chiều gần đây, hơn 20 con tàu đã bị mắc kẹt trong hàng đợi, neo đậu cách bờ biển tới 27 km ở Đại Tây Dương.
Tính đến ngày 20/8, tại cảng Los Angeles, ở ngoài khơi, hơn 25 tàu container “ăn chực nằm chờ” chờ được bốc dỡ. Điều này đã kéo dài thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng tình trạng thiếu hụt container. Dĩ nhiên cùng với đó là chi phí tăng, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước tình trạng này, nhiều nhà bán lẻ buộc phải thuê tàu riêng để về hàng đúng thời gian mặc cho chi phí đội giá tăng gấp nhiều lần. Chuỗi cung ứng quá tải, áp lực hàng hóa tăng cao, nhiều tàu cập bến nhưng không tìm được chỗ xếp hàng hóa.
6 tháng đầu năm, cước phí vận tải biển tăng vọt, container rơi vào tình trạng “rỗng vỏ” và khan hiếm. Hi vọng về sự vận chuyển toàn cầu diễn ra bình thường cho đến khi biến thể Delta phá vỡ hi vọng cuối cùng của các đơn vị hàng hóa.
Hoạt động sản xuất toàn cầu “mất đà” do đứt gãy chuỗi cung ứng
Các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục kéo dài, dẫn đến giá cả cao hơn đáng kể và khoảng cách giữa các thị trường lớn hơn dự báo. Các nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ như Walmart, Home Depot, Costco, Wholesale và Target phải thuê tàu riêng trọng tải nhỏ chứa khoảng 1000 container để gỡ rối, họ đánh chi phí gia tăng lên hàng hóa khiến giá hàng hóa tăng cao, người chịu thiệt cuối cùng chính là người lao động.
Việc sử dụng các tàu thuê riêng sẽ giúp nhà bán lẻ cập bến nhanh hơn, giúp các sản phẩm đến tay người dùng kịp trong mùa lễ hội cuối năm. Với các nhà bán lẻ trung bình và nhỏ, thuê tàu là “hạ sách” bởi nằm ngoài khả năng tài chính của họ. Các cảng lớn tại Mỹ liên tục “delay” và tình hình này nghiêm trọng lan sang cả bờ Đông.
Nguyên nhân chính của việc nhiều cảng lớn của Mỹ rơi vào cảnh “thiếu chỗ” là vì lượng hàng hóa nhập khẩu từ châu Á vào Mỹ trong tháng 8 tăng trung bình khoảng 26% mỗi tuần trong khi năng lực bốc dỡ và phân phối tại cảng vẫn đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là vấn đề nhân công (nhiều cảng lớn thực hiện chính sách tạm dừng để ngăn ngừa đại dịch, nhiều tàu biển chở hàng trăm thủy thủ lênh đênh trên biển).
Bên cạnh đó, các container rỗng tồn đọng 1 lượng khá lớn khiến tình trạng thiếu hụt container leo thang toàn cầu, làm gián đoạn và khiến giá vận chuyển đường biển tăng cao.
Câu chuyện tắc nghẽn hàng hóa gián đoạn chuỗi cung ứng cần được nhìn nhận nghiêm túc nhất là khi nó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong khi mức sản xuất tăng cao. Hơn nữa phí nguyên vật liệu tăng vọt cũng đang gây áp lực lên lợi nhuận của các nhà sản xuất.
Zoe Nguyen (Tổng hợp)