Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều lo ngại do lạm phát tác động trong các tháng cuối năm cũng như năm 2022 sắp tới. Câu hỏi đặt ra là tình hình lạm phát tại Việt Nam hiện nay có đáng lo ngại nhiều hay không?
Lạm phát đang ở mức “yên tâm”
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát 9 tháng tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2016 – 2021. Tính riêng tháng 9, CPI giảm 0,62% so với tháng trước. Nguyên nhân chính kéo CPI giảm là giá các mặt hàng thực phẩm 9 tháng giảm 0,29% và giá thịt gà giảm 0,98% so với cùng kỳ năm trước.
Một số yếu tố góp phần làm giảm áp lực lên CPI vừa qua đó là việc cung ứng ổn định, hàng hóa dồi dào, khiến giá cả không tăng. Nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung, miền Nam cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.
Ngân hàng thế giới – WB đánh giá, lạm phát của Việt Nam thấp là do chi phí nhà ở thấp hơn khi tiền thuê nhà và giá điện nước sinh hoạt giảm ở các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội nhằm hỗ trợ những hộ gia đình bị ảnh hưởng vượt qua khủng hoảng.
Học phí giảm cũng góp phần làm giảm áp lực lạm phát. Giá lương thực thực phẩm chững lại khi các tỉnh từng bước nới lỏng hạn chế đi lại và theo đó là gỡ bỏ những nút thắt trong chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm.
Trong khi đó giá cả hàng hóa và dịch vụ khác đi ngang do nhu cầu trong nước còn yếu. So với năm trước, CPI tháng 09 tăng 2,1%, thấp hơn so với tháng 8 (tăng 2,8%) và thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 4,0%.
Còn nhiều lo lắng, không thể chủ quan
Mặc dù tình hình lạm phát ở Việt Nam đang ở mức thấp, nhưng liên tục những ngày qua, thông tin về đà tăng lạm phát từ các nền kinh tế lớn không khỏi nhiều nhiều người lo lắng.
Lo lắng càng lớn hơn khi trong kỳ điều hành ngày 11/10, đã điều chỉnh tăng gần 1.000 đồng với các mặt hàng xăng mặc dù đã chi mạnh Quỹ Bình ổn giá để kiềm chế. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, giá xăng đã có 12 lần tăng và 4 lần giảm, giữ nguyên. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh thời gian qua, để kiềm chế mức độ tăng của giá xăng dầu trong nước, cơ quan quản lý đã quyết định ngừng trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa; tăng chi sử dụng quỹ đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức cao, chi quỹ đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa để giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Giá xăng tăng khiến dư luận lo lắng tác động tiêu cực đến nền kinh tế và lạm phát, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, việc giá xăng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian ngưng trệ. Giá nhiên liệu tăng tác động đến hầu hết nhóm ngành sản xuất, theo hướng trực tiếp hoặc gián tiếp. Do đó, dự báo chi phí sản xuất tăng, giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng, sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.
Tuy nhiên, thực tế, các nhận định vẫn khá lạc quan về lạm phát ở Việt Nam hiện nay. Nhìn lại chặng đường 5 năm 2016-2021, so sánh CPI bình quân 9 tháng trong các năm cụ thể như sau: Tăng 2,07% năm 2016; 3,79% năm 2017; 3,57% năm 2018; 2,5% năm 2019; 3,85% năm 2020 và mức thấp nhất-tăng 1,82% năm 2021.
Bà Tạ Thị Thu Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho rằng, mức tăng thấp của CPI 9 tháng là điều kiện thuận lợi cũng như dư địa để Việt Nam thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2021 theo kế hoạch đã đề ra. Dù vậy, không phải là không có những lo lắng.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có 5 nhóm hàng giảm giá và 6 nhóm tăng giá so với tháng trước. “Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại, cầu sẽ tăng ở tất cả các ngành, lĩnh vực, kéo theo giá các mặt hàng có khả năng tăng, vì thế, không nên chủ quan, bởi nguy cơ tăng giá tiềm ẩn, nhất là những tháng cuối năm và năm 2022”, bà Tạ Thi Thu Việt nhận định.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vào trung tuần tháng 8 đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cập nhật sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung và của các quốc gia, phản ứng chính sách về tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế lớn.
Trong đó, đặc biệt là các nền kinh tế có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với nước ta, nhằm có các biện pháp có tính tổng thể, dài hạn trong việc quản lý, điều hành giá, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tiếp tục phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Nhiều mặt hàng như: xăng dầu, điện, lương thực, thực phẩm, dịch vụ y tế, giáo dục, nhóm hàng giao thông… luôn phải được kiểm soát chặt chẽ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái –đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát trong khoảng 3%, góp phần hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trong trường hợp bất thường cũng không vượt quá 4%.