Dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam đang dần được kiểm soát, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ dần phục hồi từ tháng 10/2021. Ngành tôm được hỗ trợ bởi giá tôm trên thị trường đang có xu hướng tăng.
Xuất khẩu tôm đã lạc quan hơn
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu tôm của Việt Nam tháng 9/2021 đạt 30 nghìn tấn, trị giá 285 triệu USD, giảm 28,57% về lượng và giảm 25,2% về trị giá so với tháng 9/2020. 9 tháng năm 2020, xuất khẩu tôm ước đạt 296,8 nghìn tấn, trị giá 2,72 tỷ USD, tăng 1,15% về lượng và tăng 2,42% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp do tác động của dịch Covid-19 trong nước.
Trước đó, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, xuất khẩu tôm tháng 8/2021 đạt 29,49 nghìn tấn, trị giá 280,12 triệu USD, giảm 31,9% về lượng và giảm 28,4% về trị giá so với tháng 8/2020.
Về mặt thị trường, tính chung 8 tháng năm 2021, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ, EU, Australia, Nga tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020; trong khi xuất khẩu sang các thị trường tại khu vực châu Á không khả quan.
Cụ thể, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng nhẹ về lượng nhưng giảm nhẹ về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu tới Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN giảm.
Cục Xuất nhập khẩu-Bộ Công Thương nhận định, dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam đang dần được kiểm soát, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ dần phục hồi từ tháng 10/2021. Đây là thời điểm nhu cầu nhập khẩu của các nước châu Âu, Hoa Kỳ ở mức cao nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, ngành tôm còn được hỗ trợ bởi giá tôm trên thị trường đang có xu hướng tăng. Giá tôm nguyên liệu tại hầu hết các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Indonesia có xu hướng tăng do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất.
Tuy nhiên, ngành tôm cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi hoạt động sản xuất vẫn phải đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19; nguồn cung nguyên liệu bị ảnh hưởng do người nuôi chậm thả nuôi sau 2 tháng phong tỏa; tình trạng thiếu container, cước phí vận tải biển tăng vẫn diễn ra…
Kỳ vọng thị trường EU
Trong những tháng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ tại EU đang có xu hướng hồi phục trở lại cộng với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan từ EVFTA sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh tại thị trường EU. Thực tế, trong những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU ghi nhận tín hiệu tích cực nhờ các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết thuế quan trong Hiệp định EVFTA.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm của Việt Nam tới EU quý II/2021 đạt 18,62 nghìn tấn với trị giá 159,45 triệu USD, tăng 68,9% về lượng và tăng 65,8% về trị giá so với quý I/2021, tăng 43,6% về lượng và tăng 42% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam tới thị trường EU đạt 29,6 nghìn tấn với trị giá 255,7 triệu USD, tăng 25,2% về lượng và tăng 27,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó xuất khẩu tôm tới Đức chiếm 24,94% về lượng và chiếm 26,22% về trị giá; xuất khẩu tôm tới Hà Lan chiếm 26,85% về lượng và chiếm 25,29% về trị giá; xuất khẩu tôm tới Bỉ chiếm 16,35% về lượng và chiếm 16,45% về trị giá; xuất khẩu tôm tới Pháp chiếm 8,74% về lượng và chiếm 9,51% về trị giá; xuất khẩu tôm tới Đan Mạch chiếm 6,99% về lượng và chiếm 7,23% về trị giá.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá xuất khẩu tôm của Việt Nam tới EU trong nửa đầu năm 2021 đạt bình quân 8,63 USD/kg, tăng 0,16 USD/kg so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là do lượng tôm xuất khẩu đáp ứng được các yêu cầu về giảm thuế từ EVFTA tăng trong những tháng gần đây. Đây là tín hiệu tốt cho tính cạnh tranh về giá của các sản phẩm tôm ở thị trường EU trong thời gian tới.
Kinh tế các nước thành viên EU đang trên đà phục hồi nhờ việc tiêm vắc xin trên diện rộng và triển khai các gói hỗ trợ sau Covid. Từ đầu quý II năm nay, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm tại châu Âu đã bắt đầu mở cửa trở lại. Nhu cầu tiêu thụ tôm mùa hè tại châu Âu tăng, lượng tôm dự trữ đang ở mức thấp.
Trong khi đó, các nguồn cung lớn cho EU là Ấn Độ và Indonesia đang gặp nhiều khó khăn về lao động do tác động từ dịch Covid-19, sẽ để lại khoảng trống thị trường lớn về nguồn cung cho thị trường EU. Đặc biệt là các sản phẩm tôm của Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi về thuế từ EVFTA cộng với kết quả xuất khẩu tôm của Việt Nam trong thời gian vừa qua cho thấy, uy tín và thương hiệu của tôm Việt Nam ở EU đang tăng hơn so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu tôm tới EU trong giai đoạn cuối năm 2021.