Điểm tin doanh nghiệp 18/10: Vicem Thạch cao Xi măng báo lỗ, Chứng khoán Bảo Minh báo lỗ ròng gần 40 tỷ, Chứng khoán KB Việt Nam lãi quý III tăng 61% nhờ đẩy mạnh môi giới và cho vay margin.
Điểm tin doanh nghiệp : Công ty xi măng đầu tiên báo lỗ
Doanh thu quý III tăng 18%, nhưng Vicem Thạch cao Xi măng vẫn báo lỗ gần 2 tỷ đồng.Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần tăng 34%, lợi nhuận vẫn âm gần 3 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, công ty lỗ sau thuế gần 2 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 1 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần tăng 34% đạt gần 150 tỷ đồng nhưng lợi nhuận vẫn âm gần 3 tỷ đồng.
Năm 2021, đơn vị đặt mục tiêu 234 tỷ đồng doanh thu và 530 triệu đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 41% và 52% so với thực hiện năm ngoái. Như vậy, công ty con thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cần lãi gần 4 tỷ đồng trong quý IV để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại ngày 30/9, quy mô tài sản đi ngang so với đầu năm, ở mức gần 137 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 26% lên 127 tỷ đồng, chiếm 93% tổng tài sản. Trong đó, phải thu ngắn hạn các khách hàng như Vicem Bút Sơn, Xi măng Bỉm Sơn, Vicem Tam Điệp… hơn 93 tỷ đồng, giảm 7%. Song khoản phải thu khác, chủ yếu là ký quỹ và ký cược, gấp hơn 50 lần lên 26 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền giảm mạnh 78% còn hơn 7 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, công ty xi măng không vay nợ tài chính. Nợ phải trả chủ yếu là khoản phải trả người bán ngắn hạn hơn 18,5 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm và tương đương 17% vốn chủ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý III là âm 2,7 tỷ đồng. Quỹ đầu tư phát triển gần 25 tỷ, bên cạnh hơn 18 tỷ thặng dư vốn cổ phần.
Tự doanh thua lỗ, Chứng khoán Bảo Minh báo lỗ ròng gần 40 tỷ đồng
Trong quý III, Chứng khoán Bảo Minh báo lỗ ròng 38,2 tỷ đồng, kéo lãi ròng 9 tháng xuống còn gần 103 tỷ đồng.Mảng tự doanh lỗ khoảng 65,6 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ gần 28 tỷ đồng.
***KQKD quý 3 nhiều doanh nghiệp báo lãi***
Theo BCTC quý III của Chứng khoán Bảo Minh (BMS), mặc dù hoạt động môi giới và tư vấn tài chính khởi sắc so với cùng kỳ năm trước song BMS vẫn báo lỗ ròng 38,2 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 25,8 tỷ đồng). Kết quả này đã kéo lùi lãi ròng 9 tháng đầu năm của công ty xuống còn gần 103 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến BMS phải ôm khoản lỗ trên đến từ hoạt động tự doanh. Trong quý III, lãi từ các tài sản tài chính qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm gần một nửa, xuống gần 29,3 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL ở mức 77,6 tỷ đồng, gấp hơn 2,6 lần các khoản lãi. Khoản lỗ này chủ yếu đến từ việc đánh giá tài sản tài chính.
Chi phí hoạt động tự doanh cũng gấp đôi cùng kỳ, lên mức 17,3 tỷ đồng. Vì thế, tự doanh của công ty lỗ khoảng 65,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ gần 28 tỷ đồng.
Điểm đáng nói là hoạt động tự doanh chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh doanh của BMS, do đó, dù doanh thu môi giới gấp gần 10 lần cùng kỳ ở mức 15,8 tỷ đồng và doanh thu tư vấn gấp đôi cùng kỳ ở mức 8,5 tỷ đồng cũng không thể bù đắp các khoản lỗ từ hoạt động tự doanh.
Các khoản phải thu tăng vọt
Tại thời điểm cuối quý III, tổng tài sản của BMS ở mức 1.211 tỷ đồng, tăng hơn 42% so với đầu năm. Trong kỳ, vốn điều lệ tăng từ mức 500 tỷ đồng lên gần 570 tỷ đồng.
Danh mục tài sản FVTPL mở rộng 36% so với đầu năm, lên mức 627 tỷ đồng. Cổ phiếu niêm yết chiếm 64% tỷ trọng danh mục, trái phiếu doanh nghiệp chiếm gần 31% danh mục. Danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đạt 120 tỷ đồng (đầu năm không ghi nhận).
Đáng chú ý, công ty ghi nhận gần 80 tỷ đồng phải thu từ việc bán các tài sản tài chính. Các khoản phải thu khác cũng tăng vọt so với đầu năm, đạt 122,5 tỷ đồng, gấp 16,5 lần đầu năm. Thuyết minh BCTC không thể hiện chi tiết về các khoản mục này.
Xét ở nguồn vốn, công ty ghi nhận khoản người mua trả tiền trước hơn 165 tỷ đồng (đầu kỳ chỉ ở mức 30 triệu đồng) và các khoản phải trả, phải nộp khác ngắn hạn hơn 73.2 tỷ đồng, gấp 14,5 lần đầu năm. Do đó, nợ phải trả tăng lên mức gần 480 tỷ đồng, gấp 2,2 lần đầu năm.
Chứng khoán KB Việt Nam lãi quý III tăng 61% nhờ đẩy mạnh môi giới và cho vay margin
KBSV báo lãi sau thuế gần 56 tỷ đồng trong quý III. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng 66% lên mức gần 175 tỷ đồng.Công ty có 3.463 tỷ đồng dự nợ cho vay margin.
BCTC quý III với doanh thu hoạt động đạt 226 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng cho vay margin và môi giới đóng góp doanh thu lớn nhất cho doanh thu hoạt động ở kỳ này và cũng là 2 mảng tăng trưởng tốt nhất. Cụ thể, lãi từ cho vay và phải thu tăng 69% lên mức 92,3 tỷ đồng. Doanh thu môi giới tăng 191% lên gần 96 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong kỳ tăng 109% lên 95 tỷ đồng chủ yếu do tăng chi phí môi giới với 91 tỷ đồng (tăng 122%). Như vậy, lãi gộp mảng môi giới quý III đạt chưa đên 5 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gộp gần 8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính ở mức gần 50 tỷ đồng, giảm 22% so với quý III/2020. Kết quả, KBSV báo lãi sau thuế gần 56 tỷ đồng, tăng 61%.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu hoạt động đạt 668 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế tăng 66% lên mức gần 175 tỷ đồng
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản đạt mức 6.956 tỷ đồng, tăng 16% so với số cuối năm 2020. Các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 2.141 tỷ đồng, tăng 29%, trong đó, CTCK này nắm giữ đa phần là chứng chỉ tiền gửi.
Công ty đang có 791 tỷ đồng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm), tăng 17%. Các khoản cho vay tăng 21% lên mức 3.721 tỷ đồng, trong đó, cho vay margin đạt 3.463 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu ở mức 148%.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành công văn số về việc đã nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của KBSV. Công ty chứng khoán này này dự kiến chào bán 138,72 triệu cổ phần theo tỷ lệ 1:0,828 (1 cổ phần cũ được quyền mua 0,828 cổ phần mới). Giá chào bán 10.000 đồng/cp. Nếu chào bán thành công số cổ phiếu trên công ty sẽ tăng vốn lên hơn 3.062 tỷ đồng.