Vẫn còn nhiều băn khoăn lo lắng và nhất là trở ngại để du lịch toàn cầu có thể tăng trưởng trở lại, song động thái “mở cửa” từ nhiều quốc gia cho thấy du khách quốc tế sẽ sớm được trở lại trạng thái “bình thường mới”.
“Cách ly” vẫn là trở ngại chủ yếu
Trước “làn sóng” mở cửa của các quốc gia để kích cầu du lịch, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) mới đây vừa thực hiện khảo sát 4.700 người tại 11 quốc gia gồm Australia, Canada, Chile, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, UAE, Anh và Mỹ về ưu tiên của họ khi lựa chọn điểm đến trong cuộc sống bình thường mới.
Kết quả, 84% người được hỏi cho biết họ sẽ không đi du lịch nếu có khả năng bị cách ly tại điểm đến. Ngoài ra, 75% người được hỏi coi chi phí xét nghiệm là một rào cản đáng kể đối với việc đi lại và 80% tin rằng các chính phủ nên chịu chi phí xét nghiệm. 73% người trả lời khảo sát rằng chất lượng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng vì những hạn chế đi lại của Covid-19.
Theo khảo sát, 73% những người đã đi du lịch trong năm qua thấy khó hiểu và khó nhớ khi tìm kiếm những quy tắc áp dụng cho chuyến đi. Khoảng 73% cảm thấy khó thu xếp các thủ tục giấy tờ Covid-19. Ngày càng có nhiều người được hỏi ủng hộ việc loại bỏ kiểm dịch nếu đã xét nghiệm âm tính với Covid-19 (73% vào tháng 9 so với 67% vào tháng 6) hoặc đã được tiêm chủng đầy đủ (71% vào tháng 9 so với 68% vào tháng 6).
86% người được hỏi mong đợi đi du lịch trong vòng 6 tháng sau khi khủng hoảng này kết thúc. Vaccine được phổ biến rộng rãi và phương pháp điều trị được cải thiện nhanh chóng khiến nhiều người thấy tự tin đi du lịch. Tuy nhiên, để bảo đảm cho sự phục hồi, các Chính phủ cần đơn giản hóa quy trình, khôi phục tự do đi lại và ứng dụng giải pháp số để quản lý thông tin.
Ông Willie Walsh, Tổng giám đốc IATA nhận định: “Thông điệp mà khách du lịch gửi tới các điểm đến là Covid-19 sẽ không biến mất, vì vậy cần thiết lập phương pháp quản lý rủi ro để sinh sống và đi lại bình thường. Với nhiều thị trường bắt đầu mở cửa cho du lịch, các điểm đến cần đơn giản hóa các quy tắc và yêu cầu về Covid-19”.
Nhiều quốc gia đã “mở cửa”
Theo kế hoạch, từ ngày 8/11, Mỹ sẽ cho phép nhập cảnh đối với du khách đến từ hơn 30 nước, qua các cửa khẩu hàng không và đường bộ. Theo đó, du khách nước ngoài sẽ cần có xác nhận đã tiêm chủng và xét nghiệm âm tính mới nhất trước khi lên máy bay. Những người nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ thì không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Quyết định này cũng sẽ được áp dụng đối với các du khách tới từ hơn 20 quốc gia từng bị cấm nhập cảnh vào Mỹ kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Động thái mở cửa sớm hơn là Anh. Theo đó, từ cuối tháng 10, Chính phủ Anh “rộng cửa” đón du khách đã được chủng ngừa Covid-19 từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những nước từng là “điểm nóng” dịch bệnh như Nam Phi, Brazil, Mexico hay Indonesia mà không phải cách ly khi nhập cảnh. Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nước ngoài, Anh cũng bỏ yêu cầu phải làm xét nghiệm PCR sau khi đến 2 ngày. Thay vào đó, du khách có thể lựa chọn phương thức xét nghiệm khác có chi phí thấp hơn.
Mới đây, Singapore cũng quyết định mở cửa biên giới, cho phép khách du lịch đến từ 8 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italia, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha, nhập cảnh mà không cần cách ly, chỉ cần xét nghiệm nhanh tại sân bay. Không chỉ mở rộng áp dụng cơ chế làn đi lại cho người đã tiêm chủng, Singapore còn hướng tới việc giảm bớt các yêu cầu xét nghiệm RT-PCR, tạo tâm lý thoải mái hơn cho du khách quốc tế.
Cũng tại khu vực Đông Nam A, từ ngày 1/11 tới, Thái Lan mạnh dạn thực hiện miễn cách ly đối với khách du lịch bằng đường hàng không, đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19, đến từ 5 quốc gia gồm Anh, Mỹ, Đức, Singapore và Trung Quốc. Du khách chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trước khi đến. Chính phủ Thái Lan dự kiến mức doanh thu từ du lịch trong năm 2022 sẽ đạt 1,5 nghìn tỉ baht, trong đó, 850 tỉ baht thu được từ thị trường nội địa, và 650 tỉ baht từ du khách quốc tế.
Theo giới chuyên gia, việc các nước thúc đẩy kế hoạch mở cửa biên giới sẽ là tiền đề quan trọng để phục hồi chuỗi liên kết du lịch quốc tế vốn bị gián đoạn gần 2 năm nay. Đó cũng là cơ hội để nhiều nước gia tăng nguồn thu từ ngành công nghiệp không khói, góp phần tích cực vào quá trình vực dậy nền kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Để làm được điều này, các yếu tố cách ly, xét nghiệm và kiểm tra giấy tờ cần được các quốc gia xem xét chuẩn hóa, tinh gọn thì mới hy vọng thu hút được du khách.
Khi nào đến Việt Nam
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết nhiều địa phương đã bắt đầu xây dựng nhiều phương án để đưa ngành du lịch nội địa trở lại trong điều kiện bình thường mới từ tháng 11/2021.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch, lữ hành tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ: Bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Các địa phương đã bắt đầu xây dựng nhiều phương án để đưa ngành du lịch nội địa trở lại trong điều kiện bình thường mới từ tháng 11/2021. Cụ thể, một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bà Rịa-Vũng Tàu (Côn Đảo, Xuyên Mộc, Châu Đức và Đất Đỏ), TPHCM (huyện Cần Giờ), Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh đã mở lại một số hoạt động tại các khu, điểm du lịch cho khách nội tỉnh cũng như khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc tái khởi động lại du lịch nội địa còn gặp khó khăn do tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 có sự chênh lệch giữa các địa phương nên vẫn còn sự thận trọng trong việc tái khởi động du lịch.
Do đó, để khôi phục lại các hoạt động du lịch nội địa hiệu quả, cần hoàn thành việc tiêm vaccine đủ 2 mũi cho ít nhất 70% người dân từ 18 tuổi và người lao động trong ngành du lịch tại các điểm đến; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng y tế, nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch; đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xử lý sự cố phát sinh; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc đón khách du lịch và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, thời điểm hiện tại cần tập trung vào du lịch nội địa. An toàn phải trở thành tiêu chí cơ bản đối với hoạt động du lịch. Kết nối du khách từ “vùng xanh” tới “điểm đến xanh”.
Về thí điểm đón khách quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ VHTT&DL, các hiệp hội du lịch khẩn trương làm việc với các địa phương, bộ, ngành để có kiến nghị rất cụ thể về điểm đến, thời điểm, quy mô, quy trình thủ tục, đi lại, lưu trú, phương án xử lý khi có ca nhiễm…; báo cáo với Thủ tướng Chính phủ khi có vướng mắc cần tháo gỡ.