Trong bối cảnh đô thị hóa quá nhanh tại các thành phố lớn như hiện nay, đặc biệt là ở Hà Nội và TP. HCM thì quỹ đất ngày càng thu hẹp. Chung cư đang trở thành giải pháp tối ưu dành cho người dân để giải quyết bài toán nhà ở và xây dựng diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Sổ hồng là gì? Khái niệm về sổ đỏ và sổ hồng?
Trước tiên phải khẳng định rằng: “Sổ đỏ” và “Sổ hồng” là cách gọi của người dân để chỉ Giấy chứng nhận dựa theo màu sắc của từng loại Sổ. Pháp luật đất đai và nhà ở từ trước đến nay không có văn bản nào quy định thuật ngữ “Sổ đỏ”, “Sổ hồng”. Vậy khái niệm chính xác của ” Sổ đỏ” và ” Sổ hồng” như sau:
- “Sổ đỏ” là cuốn sổ có màu đỏ do Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành. Nội dung của cuốn sổ ghi nhận quyền sử dụng đất bao gồm đất ở, đất sản xuất, ao, vườn,… Theo quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật đất đai 2003: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”.
- “Sổ hồng” là cuốn sổ màu hồng do Bộ Xây dựng ban hành. Nội dung là ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nên mẫu có tên gọi là: ”Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”. Theo Điều 11 Luật nhà ở năm 2005, giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở được cấp cho chủ sở hữu theo quy định sau đây:
- Trường hợp 1: Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
- Trường hợp 2: Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quy định tại khoản này được gọi chung là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Như vậy theo điều 11 Luật nhà ở năm 2005 thì người mua căn hộ chung cư sẽ thuộc Trường hợp thứ 2, nghĩa là sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng).
Tuy nhiên, từ ngày 10/12/2009 đến nay, người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở (nhà ở riêng lẻ, chung cư,…) và tài sản khác gắn liền với đất được cấp chung 01 mẫu Giấy chứng nhận với tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Hiểu Sổ đỏ, Sổ hồng thế nào mới đúng?
Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất dựa theo màu sắc. Tùy thuộc vào từng giai đoạn mà có tên gọi pháp lý khác nhau:
Màu sắc | Tên gọi pháp lý | Cơ quan ban hành mẫu |
Trước ngày 10/12/2009 | ||
Màu hồng | Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (mẫu Sổ hồng cũ) | Bộ Xây dựng |
Màu đỏ | Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Từ ngày 10/12/2009 đến nay | ||
Màu hồng cánh sen | Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (mẫu Sổ hồng mới) | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Như vậy, Sổ hồng có 02 loại: Sổ hồng cũ (được cấp trước ngày 10/12/2009) và Sổ hồng mới áp dụng từ ngày 10/12/2009 đến nay (đây là mẫu Giấy chứng nhận áp dụng chung trong cả nước để chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Sổ đỏ chỉ có 01 loại, được sử dụng để chứng nhận quyền sử dụng đất (hiện nay mẫu này không được cấp mới).
Mua chung cư được cấp sổ đỏ hay sổ hồng? Thời hạn sở hữu ra sao?
Theo Điều 9 ” Luật nhà ở 2014″ quy định:
“Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 của Luật này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó. Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn”
Như vậy: khi mua chung cư, chủ căn hộ sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, có màu hồng cánh sen (loại Sổ hồng mới).
Thời hạn sở hữu căn hộ chung cư phụ thuộc vào thời hạn sử dụng khu đất của cả tòa nhà đó. Như vậy, trường hợp chủ đầu tư chung cư có thể thuê đất của nhà nước có thời hạn 50 năm, thì thời hạn sở hữu căn hộ chung cư đó cũng chỉ là 50 năm. Trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xây tòa nhà là sử dụng lâu dài (vĩnh viễn) thì thời hạn sử dụng căn hộ chung cư cũng là lâu dài.
Quy định về thời hạn sử dụng chung cư tại Việt Nam?
Hầu hết các chung cư trên thế giới, đặc biệt ở Việt Nam, đều được quy định về thời hạn sử dụng và sở hữu nhằm đảm bảo cân bằng quỹ đất, đa dạng hóa các loại hình nhà ở và đảm bảo sự an toàn cho đời sống dân cư. Ở Việt Nam, thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định dựa theo căn cứ quy định của Luật Nhà ở 2014 và một số Thông tư, Nghị định khác có liên quan.
Theo quy định tại điều 123, luật Nhà ở 2014: “Việc mua bán nhà ở phải lập thành hợp đồng có công chứng. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bán thực hiện bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với nhà ở đó trong một thời hạn nhất định cho bên mua”.
Tại khoản 1 điều 98, luật Nhà ở 2014 quy định: “Nhà chung cư được phân thành nhiều hạng khác nhau để xác định giá trị của nhà chung cư khi thực hiện quản lý hoặc giao dịch trên thị trường”.
Về mức độ phân hạng cần căn cứ theo thông tư 31/2016/TT-BXD, theo đó, mỗi công trình căn hộ được phân thành 3 hạng A, B, C, tùy vào mật độ xây dựng, khả năng tiếp cận phương tiện giao thông công cộng đô thị, bình quân diện tích sử dụng căn hộ trên số phòng ngủ tối thiểu,…
Việc phân hạng chung cư được cơ quan quản lý công nhận sẽ tránh việc tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến mức giá dịch vụ, quản lý chung cư. Đây là cơ sở để áp dụng mức giá dịch vụ quản lý, vận hành chung cư theo khung giá đã được UBND cấp tỉnh ban hành.
Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo đó cũng được phân thành nhà chung cư sở hữu lâu dài và nhà chung cư sở hữu có thời hạn, tùy thuộc vào phân loại công trình, chất lượng công trình đối với từng dự án đầu tư và được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Cũng như những tài sản khác, khi trải qua một thời gian dài sử dụng, do các tác động khách quan từ thiên nhiên và tác động chủ quan từ phía người sử dụng, các căn hộ chung cư đến lúc sẽ xuống cấp, hư hỏng, nếu tiếp tục sử dụng sẽ nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì vậy, sau một thời gian sử dụng, nhà chung cư được kiểm định căn cứ vào cấp công trình xây dựng.
Niên hạn sử dụng nhà chung cư
Khoản 1, điều 99, luật Nhà ở 2014 quy định: “Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định căn cứ vào cấp công trình xây dựng và kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư”.
Cách tính thời hạn theo cấp công trình xây dựng dựa trên phụ lục phân cấp các loại công trình xây dựng phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng được ban hành kèm theo Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ xây dựng, quy định:
- Công trình dân dụng cấp đặc biệt: Là nhà ở có tổng diện tích sàn lớn hay bằng 15.000m2 ( ≥15.000m2) hay có chiều cao trên hay bằng 30 tầng (≥30 tầng). Có niên hạn sử dụng trên 100 năm
- Công trình dân dụng cấp 1: Là nhà ở có tổng diện tích sàn từ 10.000m2 đến dưới 15.000m2 (từ 10.000m2 < 15.000m2) hay có chiều cao từ 20 đến 29 tầng. Có niên hạn sử dụng trên 100 năm
- Công trình dân dụng cấp 2: Là nhà ở có tổng diện tích sàn từ 5.000m2 đến dưới 10.000m2 (từ 5.000m2 < 10.000m2) hay có chiều cao từ 9 đến 19 tầng. Có niên hạn sử dụng từ 20 năm đến dưới 50 năm
- Công trình dân dụng cấp 3: Là nhà ở có tổng diện tích sàn từ 1.000m2 đến dưới 5.000m2 (từ 1.000m2 < 5.000m2) hay có chiều cao từ 4 đến 8 tầng. Có niên hạn sử dụng từ 20 năm đến dưới 50 năm
- Công trình dân dụng cấp 4: Là nhà ở có tổng diện tích sàn dưới 1.000m2 hay có chiều cao nhỏ hơn hay bằng 3 tầng ( ≤ 3 tầng). Có niên hạn sử dụng dưới 20 năm
Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải tổ chức kiểm định chất lượng công trình nhà chung cư này để xử lý.
Việc tổ chức kiểm định cũng được thực hiện trong trường hợp nhà bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng (Khoản 2 Điều 99 Luật Nhà ở 2014).
Quy định về thời hạn sử dụng chung cư phụ thuộc vào cấp công trình như trên đã phần nào tạo thêm cơ hội cho chính sách đầu tư vào thị trường bất động sản của các nhà đầu tư, đồng thời cũng khuyến khích các họ mạnh dạn trong việc bỏ đồng vốn xây dựng các công trình có chất lượng, phù hợp quy chuẩn, qua đó đem lại cuộc sống an toàn, bền vững cho các hộ dân.
Hết niên hạn sử dụng nhà chung cư
Tại điểm a, khoản 2, điều 99, luật Nhà ở 2014 có quy định trường hợp nhà chung cư còn bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng thì chủ sở hữu được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trong kết luận kiểm định. Trừ trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng mà chưa thuộc diện bị phá dỡ nhưng nằm trong khu vực phải thực hiện cải tạo, xây dựng đồng bộ với khu nhà ở thuộc diện bị phá dỡ theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
Còn đối với trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải ban hành kết luận kiểm định chất lượng và báo cáo UBND cấp tỉnh để thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu nhà ở. Nội dung văn bản thông báo phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND và cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư mới hoặc bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền để phá dỡ và xây dựng công trình khác theo quy định tại khoản 3 điều 99 luật nhà ở 2014 khi hết niên hạn sử dụng nhà ở.
Cũng theo quy định tại khoản 3 của bộ luật này, trong trường hợp nếu khu đất có nhà chung cư vẫn phù hợp với quy hoạch xây dựng nhà ở thì chủ sở hữu được cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư mới.
Nếu khu đất có nhà chung cư không còn phù hợp với quy hoạch xây dựng nhà ở thì chủ sở hữu nhà chung cư phải bàn giao lại nhà chung cư này cho cơ quan có thẩm quyền để phá dỡ và xây dựng công trình khác theo quy hoạch được duyệt.
Quyền lợi của người có quyền sở hữu nhà chung cư
Tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật nhà ở) có quy định các chủ sở hữu có nhà chung cư thuộc diện phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì được bố trí tái định cư.
Việc bố trí tái định cư bằng nhà ở được thực hiện thông qua hợp đồng cho thuê, cho thuê mua, mua bán nhà ở ký giữa người được bố trí tái định cư với đơn vị được giao bố trí tái định cư nếu do Nhà nước đầu tư; ký với chủ đầu tư dự án nếu do doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư xây dựng.
Nếu chủ sở hữu không có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương mà được bố trí nhà ở, đất ở tái định cư theo quy định tại điều 36 của luật Nhà ở 2014. Trường hợp chủ sở hữu có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì được bố trí nhà ở mới có diện tích tối thiểu bằng hoặc lớn hơn diện tích nhà ở cũ.
Trường hợp Nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì chủ đầu tư dự án phải lo chỗ ở tạm thời hoặc thanh toán tiền để người được tái định cư tự lo chỗ ở trong thời gian cải tạo, xây dựng lại.
Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và chủ sở hữu thỏa thuận đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì việc bố trí chỗ ở tạm thời của chủ sở hữu trong thời gian cải tạo, xây dựng lại cũng như việc thanh toán giá trị chênh lệch được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên.
Khi nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư mà có chênh lệch về giá trị giữa nhà ở cũ và nhà ở mới thì việc thanh toán giá trị chênh lệch được thực hiện theo phương án bố trí tái định cư đã được phê duyệt.
Như vậy, quyền lợi của chủ sở hữu căn hộ chung cư đã được đảm bảo hơn. Qua đó, các hộ gia đình, cá nhân sẽ an tâm hơn khi lựa chọn nhà chung cư làm nơi an cư lạc nghiệp.