Trong Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Chính phủ đề xuất thành lập khu thương mại tự do tại thành phố này.
Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ hai đang diễn ra, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét và quyết định một số chính sách, cơ chế đặc thù phát triển cho 4 địa phương, trong đó có TP Hải Phòng với đề xuất thành lập khu thương mại tự do.
Chính sách đột phá, cơ chế đặc thù
TP Hải Phòng là địa phương có cảng biển lớn nhất phía Bắc và có vị trí vô cùng quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong giai đoạn từ 2016-2020, kinh tế Hải Phòng tăng trưởng trung bình 13,94%/năm. Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng cùng được xác định là những cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực trên hành lang kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Năm 2003, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 32 về việc xây dựng và phát triển TP Hải Phòng để thành phố này có thể phát triển mạnh mẽ.
Năm 2019, Bộ Chính trị tiếp tục có Nghị quyết 45 về việc xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu là xây dựng và phát triển Hải Phòng thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ nói riêng và của cả nước nói chung.
Có công nghiệp phát triển thông minh, hiện đại, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối thuận lợi và đồng bộ với trong nước và quốc tế; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục – đào tạo, ứng dụng và nghiên cứu phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế biển.
Việc ban hành nghị quyết của Quốc hội nhằm thí điểm các cơ chế, chính sách mới, để thành phố có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, thực hiện mục tiêu tiếp tục phát triển bền vững, có sức lan tỏa lớn hơn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
Nhiều tiềm năng phát triển khu thương mại tự do
Tờ trình của Chính phủ thông tin, hiện nay trên thế giới chưa có định nghĩa cụ thể về khu thương mại tự do. Tuy nhiên, theo nghiên cứu kinh nghiệm từ quốc tế, khu thương mại tự do là mô hình kinh tế khá phổ biến trên thế giới. Trong đó, về nguyên tắc, khu thương mại tự do có nhiệm vụ như một công cụ, chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại.
Nhìn chung, bản chất khu thương mại tự do là một môi trường đầu tư kinh doanh trên một khu vực nhất định. Thông thường, khu thương mại tự do được đặt tại vị trí gần cảng biển, cảng hàng không hay khu vực biên giới gắn với chính sách, cơ chế vượt trội, ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với phần còn lại của quốc gia.
Xét về tiềm lực, TP Hải Phòng có đầy đủ khả năng để có thể xây dựng thành công khu thương mại tự do ở Việt Nam.
Thứ nhất, Hải Phòng có vị trí đắc địa về kinh tế chiến lược với cảng biển nước sâu quốc tế, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, thành phố này có thể kết nối dễ dàng với khu vực và quốc tế.
Thứ hai, Hải Phòng có lợi thế “hậu phương công nghiệp” vững vàng, tiềm năng lớn với các khu công nghiệp, điển hình là Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, với những doanh nghiệp chế tạo, chế tác, lắp ráp linh kiện điện – điện tử.
Theo đánh giá của Chính phủ, việc khu thương mại tự do ở Hải Phòng được xây dựng thí điểm thành công sẽ tạo động lực khai thác được toàn diện thế mạnh, tiềm năng của cảng biển nước sâu cửa ngõ phía Bắc. Đồng thời thu hút đầu tư FDI quy mô lớn trong những ngành nghề phù hợp, tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng kim ngạch xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, xây dựng mạng lưới liên kết với sản xuất trong nước, nâng cao quy mô nền kinh tế của Hải Phòng và cả nước,…