Bộ Tài chính yêu cầu SCIC tập trung triển khai thoái vốn tại 3 doanh nghiệp là Bảo Việt, Bảo Minh và CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.
Những cái tên đáng chú ý trong danh sách dự kiến bán vốn của SCIC
Theo đó, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) về việc triển khai thoái vốn năm 2021 theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ này yêu cầu SCIC tập trung triển khai thoái vốn tại 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Tổng công ty CP Bảo Minh (BMI) và Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP).
Được biết, SCIC hiện đang sở hữu 3,26% vốn tại Tập đoàn Bảo Việt; 50,7% vốn tại Công ty Bảo Minh và 37,1% vốn tại Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Giá trị sở hữu vốn Nhà nước tương đương tại 3 doanh nghiệp này lần lượt là 221 tỷ; 463 tỷ và 437 tỷ đồng.
Số tiền thu từ hoạt động thoái vốn 3 doanh nghiệp kể trên, Bộ Tài chính yêu cầu phải được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12 để nộp ngân sách Nhà nước.
Theo danh sách doanh nghiệp SCIC dự kiến triển khai bán vốn năm nay, Tập đoàn Bảo Việt, Bảo Minh và Nhựa Tiền Phong là 3 trong số 88 doanh nghiệp thuộc nhóm 1 – nhóm triển khai bán vốn ngay năm nay.
Chốt phiên giao dịch ngày 25/10, cổ phiếu BVH, BMI và NTP đều tăng trần ngay sau khi thông tin này được công bố.
Trong danh sách dự kiến bán vốn của SCIC năm nay, một loạt cái tên đáng chú ý khác phải kể đến:
Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco (SAB). SCIC có tỷ lệ sở hữu tại đây là 36%, tương đương vốn Nhà nước sở hữu 2.309 tỷ đồng.
SCIC cũng đang sở hữu 99,79% vốn Tổng công ty Sông Đà (SJG) với giá trị 4.486 tỷ đồng
SCIC sở hữu 53,49% vốn tại Tập đoàn dệt may Việt Nam – Vinatex (VGT), tương đương 2.674 tỷ.
Đơn vị này cũng sở hữu 63,38% tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – Seaprodex (SEA), giá trị 792 tỷ.
SCIC sở hữu 40,08% vốn tại Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 – FICO (FIC), giá trị 509 tỷ
SCIC còn sở hữu 5,93% vốn tại Công ty CP FPT (FPT), tương đương 460 tỷ đồng…
2 kịch bản cho hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021
Theo ước tính, 16.700 tỷ đồng là tổng vốn Nhà nước nắm giữ tại 88 doanh nghiệp thuộc diện triển khai bán vốn ngay năm 2021 theo danh sách của SCIC.
Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) có báo cáo mới nhất cho thấy, đến hết tháng 8 năm nay, số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp mới đạt 366 tỷ đồng. Với diễn biến dịch Covid-19 như hiện nay, nguồn thu ngân sách từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp trong năm được đánh giá là sẽ không đạt kế hoạch 40.000 tỷ đồng.
2 kịch bản cho hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021 dựa trên diễn biến của dịch bệnh được đưa ra.
Cụ thể, hết quý III, nếu dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam, sẽ tập trung triển khai thoái vốn đối với các doanh nghiệp đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC. Với một số doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thì thực hiện theo hình thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn.
Nếu dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2021, việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn không thể thực hiện được.
Cát Anh (T/h)