Ngày 25/10, đại diện của 11 nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) đề xuất giảm lệ phí trước bạ.
Đại diện 11 nhà nhập khẩu ô tô mong đươc giảm lệ phí trước bạ
Ngày 25/10, đại diện của 11 nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) đã cùng trình lên Chính phủ ý kiến góp ý về quy định hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ đối với các xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD).
Theo đó, ý kiến được đề xuất ngay trước thời điểm Chính phủ quyết định về việc chấp thuận tiếp tục hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ lần thứ 2 với xe CKD.
Quan điểm của đại diện VIVA, việc giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe CKD đã cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) cũng cần nhận được sự ưu tiên nhất định từ phía Chính phủ.
Bởi, dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.
Theo VIVA, trong năm 2021, quy định cách ly xã hội nghiêm ngặt tại Việt Nam, buộc tất cả các nhà nhập khẩu và nhà phân phối ô tô nhập khẩu phải tạm ngừng kinh doanh.
Những tổn thất mà các đơn vị này phải gánh bởi dịch bệnh phải kể đến như các văn phòng đăng ký, đăng kiểm xe ngưng hoạt động. Trong khi chi phí thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho và nguồn nhân lực,… các doanh nghiệp này vẫn phải trả.
VIVA cho rằng, nếu Chính phủ chấp thuận giảm 50% lệ phí trước bạ riêng cho xe CKD là thiếu công bằng đối với các nhà nhập khẩu cũng như nhà phân phối ô tô nhập khẩu.
“Việc này xét trên tầm quốc gia đã vi phạm các điều khoản quốc tế mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch GATT 1947, Hiệp định thương mại tự do FTA. Chúng tôi đề nghị ,việc giảm lệ phí trước bạ cũng cần phải áp dụng chung một cách bình đẳng đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu”, đại diện VIVA bày tỏ quan điểm.
Nhà nhập khẩu xe đóng góp một khoản thuế cao
Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2021, các nhà sản xuất, lắp ráp CKD đã góp vào 70% tổng sản lượng ôtô. Tuy nhiên, có 92% sản lượng ôtô CBU tại Việt Nam lại được nhập khẩu bởi chính các nhà sản xuất, lắp ráp CKD.
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 9/2021 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan về Việt Nam là khoảng 8.669 chiếc, đạt giá trị 197 triệu USD, giảm 14,8% so với tháng trước. Số liệu này cho thấy, lượng xe nhập khẩu tháng 9/2021 thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Theo văn bản kiến nghị, sản lượng bán ra dù nhỏ hơn nhưng nhà nhập khẩu xe đóng góp một khoản thuế cao hơn nhiều trên mỗi chiếc xe vào ngân sách nhà nước.
Vì lẽ đó, đại diện các hãng xe trên đề nghị giảm thuế trước bạ cũng cần phải áp dụng chung cho cả CKD và CBU.
Lần đầu Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ xe CKD (nghị định 70) để kích cầu thị trường là vào cuối tháng 6/2020 và kéo dài đến hết tháng 12/2020.
Sau khi áp dụng quy định về giảm lệ phí trước bạ 50% cho các xe sản xuất và lắp ráp trong nước, tổng số ô tô khách tại Việt Nam bán ra đã tăng 3% so với năm 2019, trong đó số lượng CKD lắp ráp trong nước tăng 19% và số lượng CBU nhập khẩu nguyên chiếc giảm 33%;
Đối với xe thương mại, tổng số lượng đã sụt giảm 19%, số lượng CKD lắp ráp trong nước cũng giảm 16%, trong khi đó, số lượng xe CBU nhập khẩu nguyên chiếc giảm 25%.
Cát Anh (T/h)