Doanh nghiệp sẽ được miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…
Căn cứ ban hành quyết định miễn tiền chậm nộp
Trong 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhóm 4 – miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020 là một trong những vấn đề khá được quan tâm.
Theo đó, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức, gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020.
Về cách xác định số tiền chậm nộp được miễn, cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất căn cứ dữ liệu quản lý thuế, xác định số tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, năm 2021 của người nộp thuế để ban hành quyết định miễn tiền chậm nộp.
Thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quyết định miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế.
Trình tự, thủ tục, hồ sơ xử lý miễn tiền chậm nộp
Người nộp thuế lập văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp, bên trong nêu rõ số lỗ phát sinh của kỳ thuế 2020 theo mẫu gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bằng phương thức điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để xác định điều kiện lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế năm 2020 làm căn cứ xem xét miễn tiền chậm nộp.
Trường hợp người nộp thuế đã được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì gửi kèm biên bản hoặc quyết định, kết luận, thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế).
Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế năm 2020 được xác định theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp của người nộp thuế, cơ quan thuế ban hành thông báo không chấp thuận miễn tiền chậm nộp đối với trường hợp không thuộc đối tượng được miễn tiền chậm nộp hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp đối với trường hợp thuộc đối tượng được miễn tiền chậm nộp.
Quyết định miễn tiền chậm nộp được gửi cho người nộp thuế qua phương thức điện tử, đăng công khai trên trang thông tin điện tử ngành thuế.
Trường hợp người nộp thuế đã được miễn tiền chậm nộp nhưng cơ quan có thẩm quyền phát hiện người nộp thuế không thuộc đối tượng được miễn theo quy định của Nghị định 92 thì cơ quan thuế ban hành quyết định thu hồi.
Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được miễn tiền chậm nộp khai bổ sung hồ sơ khai thuế hoặc cơ quan huế, cơ quan có thẩm quyền qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện hoặc cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền có quyết định, thông báo làm tăng số tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuế đất phải nộp thì người nộp thuế không phải nộp số tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, 2021 đối với số tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp tăng thêm nếu đáp ứng điều kiện lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế năm 2020.
Trường hợp người nộp thuế đã nộp tiền chậm nộp trước thời điểm nghị quyết 406 có hiệu lực thì hành sẽ không xử lý lại.
Được biết, Nghị định 92 có hiệu lực thi hành đồng thời với ngày có hiệu lực của Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, tức là ngày 19/10/2021.
Việc ban hành Nghị định số 92 nhằm triển khai kịp thời các giải pháp được quy định tại Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, mục đích góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, từ đó tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và thực hiện an sinh xã hội.
Mong mỏi của các doanh nghiệp
Chiều 27/10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn với chủ đề “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”.
2 năm qua, dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực rơi vào cảnh kiệt quệ. Dù dịch bệnh đã bắt đầu được kiểm soát, tuy nhiên, chi phí kinh doanh tăng cao tiếp tục gây áp lực cho các doanh nghiệp. Việc khôi phục lại sản xuất trở thành bài toán nan giải hơn bao giờ hết.
Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp mong muốn được giảm thuế, phí để có thể phục hồi.
Trong lĩnh vực Logistic, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, hiện việc tiếp cận nguồn vay vốn rất khó khăn. Chưa kể, chi phí cho công tác phòng chống dịch tăng, giá cước tàu tăng cộng thêm hàng loạt các phụ phí từ hãng tàu… trở thành gánh nặng tài chính lên chi phí logistics.
Bởi vậy, họ cho rằng, những chính sách làm tăng chi phí hoạt động của dịch vụ logistics thì nên có sự kiểm soát và cắt giảm như những chi phí liên quan đến vận tải, nhiên liệu, BOT; các phí phát sinh khác: Phụ phí, hạ tầng, cửa khẩu, cảng biển cũng nên cân nhắc điều chỉnh hoặc lùi thời gian áp dụng để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp.
Vừa qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2021. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho hay, do nguồn lực của đất nước có hạn, nên việc giảm thuế này chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp có mức doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm và doanh thu năm 2021 phải thấp hơn doanh thu năm 2019.
Theo ông Phụng, trong lúc khó khăn những doanh nghiệp nhỏ và vừa, dễ bị tổn thương cần được hỗ trợ nhiều hơn.
Ở phía ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp được tốt hơn, Chính phủ cần tăng vay tiền từ ngân hàng Trung ương, cũng như phát hành trái phiếu, qua đó tăng cường nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt giai đoạn khó khăn.
Ông Hùng thông tin, dù nhận được chỉ đạo từ Chính Phủ, cũng như Quốc hội về việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này nhưng thực tế, dư địa của các tổ chức tín dụng đã hết hoặc còn rất nhỏ, người dân gửi tiền vào ngân hàng đang có sự sụt giảm.
Còn theo các chuyên gia kinh tế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đồng bộ, tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau. Nhưng các doanh nghiệp cũng nên chia sẻ và đóng góp cùng Chính phủ trong giai đoạn khó khăn này.
Cát Anh