Điểm tin doanh nghiệp MSN, PHC, PPH. Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10, cổ phiếu PPH dừng tại mức giá cao nhất từ trước đến nay 40.100 đồng/cp – tương ứng tăng cao gấp 2,4 lần so với hồi đầu năm.
Phục Hưng Holdings (PHC) trúng nhiều gói thầu, lấn sân sang mảng đầu tư công
Ngày 21/10/2021, Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (Phục Hưng Holdings – mã PHC) đã trúng gói thầu 200 tỷ đồng tại Hà Nội.
Đây là một trong nhiều dự án mà PHC đã trúng thầu trong thời gian qua, dù tình hình đại dịch còn diễn biến phức tạp. Trước đó vào tháng 9, PHC đã ký 2 hợp đồng tổng trị giá 169 tỷ, trong đó gói thầu thi công Khách sạn Từ Hoa Công chúa giá trị 77 tỷ, thi công hạ tầng kỹ thuật Điểm dân cư nông thôn xóm Duyên giá trị 92 tỷ. Từ tháng 6 đến nay, Công ty đã trúng thầu các hợp đồng với tổng giá trị 1.050 tỷ đồng.
Lãnh đạo Công ty cho biết, tổng giá trị các hợp đồng xây dựng mà PHC đã ký kết cho năm 2021-2022 còn giá trị thực hiện hơn 5.200 tỷ đồng.
Có thể kể đến một số dự án lớn mà PHC thi công như Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark), Meyhomes Capital Phú Quốc, Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony, Tổ hợp thương mại dịch vụ shophouse và biệt thự Lạng Sơn – CATALAN BOULEVARD, Khu đô thị mới Dương Nội, Tổ hợp Mỹ Đình Pearl – Giai đoạn 2, Khách sạn Từ Hoa công chúa, Khu đô thị mới Tây Mỗ, Đại Mỗ- Vinhomes Park…
Thời gian qua, các dự án đều chịu ảnh hưởng từ giãn cách xã hội nên các chủ dự án phát triển nhà ở có tiềm lực tài chính mạnh, có thương hiệu trên thị trường, rất quyết liệt trong việc hợp tác với nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công trở lại khi cả nước bình thường mới và sống chung với dịch Covid-19.
Hoạt động thi công và triển khai ký mới liên tiếp các gói thầu xây dựng một cách nhộn nhịp đã khẳng định vị thế top 10 nhà thầu xây dựng uy tín nhất Việt Nam của PHC.
Với kinh nghiệm và năng lực triển khai các dự án lớn, đồng thời liên tục nghiên cứu, đưa vào áp dụng công nghệ cao, tiên tiến trong quá trình thi công xây lắp như công nghệ ván khuôn trượt, Alform, Gangform… đã giúp PHC đạt năng suất cao, đạt yêu cầu khắt khe về kỹ mỹ thuật của các dự án lớn. Nhờ năng lực quản lý và áp dụng công nghệ cao trong thi công, Công ty có khả năng quản trị rủi ro và quản lý tài chính chặt chẽ.
Với giá trị xây lắp chưa thực hiện dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng giai đoạn 2022 – 2023, doanh thu và lợi nhuận từ mảng xây dựng của PHC đảm bảo cho Công ty phát triển và tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, PHC đang lấn sân sang mảng đầu tư công, bước đầu tham gia đấu thầu một số dự án của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc Phòng, thành phố Hà Nội…
Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có gần 5.000 dự án hạ tầng đầu tư công sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021-2025 với mức vốn bình quân là 210 tỷ đồng/dự án – gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, kế hoạch giải ngân là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng hơn 40% so với con số thực hiện giai đoạn trước. Do đó, các doanh nghiệp có năng lực xây lắp vượt trội như PHC sẽ có cơ hội lớn từ định hướng đầu tư công của Chính phủ.
Ngoài mảng tổng thầu xây lắp với nguồn việc dồi dào, PHC còn sở hữu các thành phẩm bất động sản thanh khoản cao với giá trị thị trường ước tính 355 tỷ đồng so với giá trị gốc 116 tỷ đồng.
Mảng thủy điện mà Công ty đầu tư đã bắt đầu gặt quả ngọt với Nhà máy thủy điện Đắk Sor 2 mới đi vào hoạt động, cũng góp phần đem lại dòng tiền ổn định cho doanh nghiệp.
Với lợi nhuận sau thuế hợp nhất 3 quý đầu năm đạt xấp xỉ 49 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần của PHC tính đến cuối tháng 9/2021 đạt 1.867 đồng, thuộc nhóm cổ phiếu có thu nhập cao hàng đầu của ngành xây dựng trên sàn.
***Điểm tin doanh nghiệp 28/10: Dohaco(DHC), Khải Hoàn Land (KHG), An Tiến Industries (HII)***
Lãi từ công ty liên doanh liên kết giảm 90%, Dệt Phong Phú (PPH) báo lãi quý 3 giảm sâu chỉ bằng 1/5 cùng kỳ
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10, cổ phiếu PPH dừng tại mức giá cao nhất từ trước đến nay 40.100 đồng/cp – tương ứng tăng cao gấp 2,4 lần so với hồi đầu năm.
Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú (UpCOM: PPH) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu và lợi nhuận giảm sút mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính riêng quý 3 doanh thu thuần đạt 349,8 tỷ đồng, giảm 28,6% so với quý 3/2020. Trong khi đó tỷ lệ giảm chi phí giá vốn là 31,5%, dẫn tới lợi nhuận gộp thu về đạt 55,8 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 16%.
Trong kỳ Dệt Phong Phú ghi nhận 10,2 tỷ đồng doanh thu tài chính gấp 2,4 lần cùng kỳ trong khi chi phí của hoạt động này lại giảm tới 44,2%. Đáng chú ý hoạt động liên doanh liên kết có lãi gần 8 tỷ đồng giảm mạnh so với con số lãi 76 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Hoạt động khác lãi 3,9 tỷ đồng trong khi quý 3/2020 có lãi 549 triệu đồng.
Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí Dệt Phong Phú lãi sau thuế 15,3 tỷ đồng, giảm 81% so với quý 3/2020.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, PPH đạt 1.172 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 25,3% so với cùng kỳ. Nhờ tiết giảm đáng kể chi phí giá vốn nên lợi nhuận gộp tăng 8,5% lên 196,5 tỷ đồng. Lãi lớn từ công ty liên doanh liên kết trong nửa đầu năm nên LNST 9 tháng đầu năm đạt 298,8 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS 9 tháng đạt 3.697 đồng.
Năm 2021, PPH lên kế hoạch mang về 2.220 tỷ đồng doanh thu và 298 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 10% và tăng 5% so với thực hiện năm 2020. Như vậy kết thúc 9 tháng đầu năm, PPH đã hoàn thành được 53% mục tiêu về doanh thu và vượt nhẹ mục tiêu về LNST.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10, cổ phiếu PPH dừng tại mức giá cao nhất từ trước đến nay 40.100 đồng/cp – tương ứng tăng cao gấp 2,4 lần so với hồi đầu năm.
Masan (MSN) tăng tốc nhân rộng mô hình bán lẻ tích hợp đa tiện ích
Nỗ lực vượt khó trong đại dịch, “người khổng lồ” trong mảng tiêu dùng- bán lẻ- Masan từng bước xoay chuyển tình thế nhờ các giải pháp linh hoạt, đột phá trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngay sau giãn cách, Masan liên tục khai trương các cửa hàng đa tiện ích, đón đầu nhu cầu mua sắm tiêu dùng hiện đại của khách hàng.
Xoay chuyển tình hình kinh doanh bằng các giải pháp đột phá
Làn sóng Covid thứ 4 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế cả nước nói chung và hoạt động thương mai dịch vụ nói riêng. Theo số liệu của tổng cục thống kê, tháng 7/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 339,4 nghìn tỷ đồng, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Là doanh nghiệp Tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu cả nước, hoạt động kinh doanh của Masan không tránh khỏi ảnh hưởng chung toàn ngành. Sức mua trong nước giảm sút, lưu thông hàng hóa đình trệ, tình trạng lao động thiếu hụt… là một trong số muôn vàn khó khăn Masan gặp phải trong quá trình vận hành sản xuất và phân phối.
Trong hoạt động sản xuất, để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng, hơn 30 nhà máy của Masan trên cả nước đã vận hành thông suốt. Với nhiều giải pháp linh hoạt, kịp thời, những khó khăn do dịch Covid gây ra đã nhanh chóng được khắc phục, đảm bảo mục tiêu kép, vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn trong đại dịch.
Trong hoạt động bán lẻ, Masan tăng cường bán hàng đa kênh, mở rộng danh mục sản phẩm tươi sống, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân trong dịch bệnh. Doanh nghiệp còn ứng dụng công nghệ châm hàng tự động, nâng tỉ lệ sẵn có của hàng hóa từ 80% lên 96%.
Đặc biệt, Masan cũng hợp tác với Lazada đẩy mạnh bán hàng trên kênh trực tuyến – bước đi chiến lược, tạo tiền đề để Masan xây dựng nền tảng bán lẻ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online trong hệ sinh thái “Point of Life” mà tập đoàn này đang gây dựng.
Nhờ nhiều giải pháp sáng tạo đột phá, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của WinMart+ đạt 9.543 tỷ đồng, tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu/m2/tháng nửa đầu năm 2021 tăng 12,3% và Quý 2/2021 tăng 21,4%. Với kênh online, chỉ sau 6 tháng triển khai, doanh thu của kênh bán hàng này đã chiếm 0,5% doanh thu của WinCommerce (WCM) vào tháng 7/2021.
Tăng tốc thực thi chiến lược “Point of Life”, nhanh chóng phục hồi sau đại dịch
Tháng 6/2021, Masan khai trương mô hình thử nghiệm CVLife đầu tiên tại WinMart+ Udic (Hà Nội) hiện thực hóa hệ sinh thái “Point of Life”. Chiến lược này từng được Chủ tịch Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ tại kì Đại hội Cổ đông 2021: “Cửa hàng hiện đại là nơi chúng tôi kết nối toàn bộ nhu cầu của người tiêu dùng, trên một nền tảng bao trùm xuyên suốt từ online đến offline. Đây là điểm đến “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng”.
Mô hình cửa hàng mới mẻ, độc đáo này đã phát huy hiệu quả sau 4 tháng hoạt động và nhận được phản hồi tích cực từ đông đảo khách hàng. Nhận xét về trải nghiệm tại cửa hàng, chị N.T.Trang, một khách hàng quen thuộc của WinMart+ cho biết: “Quầy Techcombank tại WinMart+ làm việc từ 7h30 – 21h mỗi ngày, từ thứ 2 đến chủ nhật, rất tiện lợi. Cuối tuần tôi có thể vừa tranh thủ mua sắm, vừa ra quầy ngân hàng Techcombank giao dịch mà không cần phải tất tả chạy nhiều nơi.”
Với mô hình mới, WinMart+ không chỉ hướng đến đối tượng khách hàng gia đình quen thuộc. Với việc tích hợp thương hiệu Trà- café Phúc Long vào WinMart+, Tập đoàn này nhanh chóng mở rộng tệp khách hàng vốn có, chinh phục thế hệ người tiêu dùng trẻ hơn, sẵn sàng chi trả và hấp thụ trào lưu, lối sống mới. Bước đi này lại chứng minh hiệu quả khi kiosk Phúc Long biến WinMart+ thành điểm đến yêu thích của giới trẻ, đóng góp cho mỗi cửa hàng trung bình 5 triệu đồng doanh thu mỗi ngày.
Mới đây, ngay sau giai đoạn giãn cách tại 2 thành phố lớn nhất nước HN và Tp.HCM, Masan liên tục khai trương các cửa hàng “tất cả trong một”, tại CityLand Gò Vấp (WinMart+) và M-plaza (Fresh & Chill), sẵn sàng cho giai đoạn “bình thường mới”.
Không chỉ được thưởng thức trà và cà phê trứ danh Phúc Long hay sử dụng dịch vụ ngân hàng của Techcombank, khách hàng còn nhận thấy sự hiện diện của Phano Pharmacy – đối tác chiến lược mới giúp Masan bổ sung thêm mảng “chăm sóc sức khỏe” trong bức tranh “Point of Life” xoay quanh hai trụ cột bán lẻ và tài chính. Phano Pharmacy với tôn chỉ “lời khuyên đúng” mang đến các sản phẩm dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe và các sản phẩm y tế cần thiết cho gia đình.
Phát biểu tại lễ khai trương cửa hàng “Fresh & Chill” – mô hình thí điểm mới cũng thuộc hệ sinh thái “Point of Life”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết: “Chúng tôi mang đến cho khách hàng sự thuận tiện, mô hình một điểm đến, đa tiện ích, mang đến cuộc sống tiện nghi, vui vẻ đầy trải..
Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã khai trương 2 cửa hàng mới nhằm đón đầu nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau dịch bệnh. Nếu WinMart+ ở CityLand phục vụ cho nhu cầu của hàng nghìn hộ dân trong KDC thì Fresh & Chill tại M-Plaza hướng đến đối tượng nhân viên văn phòng. Sau những giờ làm “mờ mắt nhìn màn hình”, khách hàng có thể ghé đến Phúc Long chill hoặc qua Phano mua V.Rohto nhỏ mắt, cho cuộc sống không chỉ vui vẻ mà còn khỏe mạnh.”
Cửa hàng WinMart+ thứ 4 theo mô hình tất cả trong 1” là WinMart+, Thanh Xuân Complex, Hà Nội chính thức khai trương ngày 28/20. Việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ hiện đại đã gia tăng khả năng tiếp cận thị trường của Masan từ mức chỉ chiếm 1% ngân sách tiêu dùng (wallet-share) lên mức gần 25%.
Kế hoạch 5 năm tới của Masan là phát triển mạng lưới 10.000 cửa hàng do tập đoàn tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa gia đình, mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và đối tác.
“Đường xa vạn dặm. Khai trương những cửa hàng CVLife đầu tiên, chúng tôi đang tiến những bước nhỏ đầu tiên trên con đường đã chọn. Chúng tôi tin rằng, từ đây, Tập đoàn Masan sẽ sải những bước dài vững chắc trên hành trình phụng sự người tiêu dùng Việt Nam”, ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định./.