Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm theo tính toán của Bộ Tài Chính có thể từ 10.000 – 20.000 tỷ đồng.
Tăng thu từ nền tảng số, thắt chặt chi tiêu
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, mặc dù theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, xác định bội chi thực hiện theo nguyên tắc, trong giai đoạn 5 năm tới là 3,7% nhưng trong giai đoạn hiện nay cần đưa ra gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải chấp nhận bội chi tăng lên. Còn sau đó khi nền kinh tế đi vào ổn định, phát triển thì giảm tỉ lệ bội chi.
Bộ Tài chính hiện đang tính toán gói kích cầu, kích thích kinh tế bằng cách đề xuất đưa ra một số chính sách tài khóa.
Theo ông Phớc, gói kích cầu như là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm có thể từ 10.000 – 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra là phát hành công trái, trái phiếu ngoại tệ trong nước.
Nhằm tăng thu cho ngân sách, sẽ tập trung vào tăng thu từ nền tảng số. Đồng nghĩa với việc tập trung vào thu thuế ở các nền tảng số mà lâu nay còn dư địa như bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới.
Song song với đó là việc đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Thắt chặt chi tiêu cũng là việc cấp thiết, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị.
Theo chia sẻ của ông Phớc, tổng các gói đang thiết kế nên chưa số lượng cụ thể, phía cơ quan tham mưu đưa ra nhiều phương án để trình các cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, các gói chính sách, kích thích kinh tế mà Chính phủ xây dựng phải đủ lớn để phục hồi nền kinh tế. Các gói kích thích kinh tế phải vừa liên quan chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, biện pháp triển khai thực hiện gắn với tình hình hiện nay.
Mạnh dạn “bơm” thêm tiền cho doanh nghiệp
Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định khả năng phục hồi kinh tế lần này sẽ không nhanh như năm 2020 và cho rằng “phải có các gói kích thích kinh tế để tạo nguồn lực tự nhiên, cụ thể ở đây là vốn”.
Theo quan điểm của ông Cường, phải mạnh dạn dùng chính sách hỗ trợ lãi suất để bơm thêm tiền cho doanh nghiệp. Dù rằng, việc bơm tiền lúc này sẽ khiến tình lạm phát tăng lên, không thể giữ lạm phát dưới 4%. Bởi ông cho rằng, trên thế giới, quốc gia nào cũng phải bơm tiền ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế.
Về các gói kích cầu Chính phủ đang thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động mất việc làm, trong đó có gói 38 nghìn tỷ lấy từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để trả cho người lao động, ông Cường cho rằng đó là cách để giúp cho người lao động có thêm nguồn tiền để tăng kích cầu tiêu dùng.
“Vì thị trường tiêu dùng trong nước vô cùng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế”, đại biểu Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Cường nêu ý kiến về việc phải kích cầu tiêu dùng Chính phủ như tăng mạnh đầu tư công. Theo phân tích của vị này, trong năm 2021 đầu tư công tăng rất chậm, nếu không tăng nhanh thì không có nguồn lực để bơm vào nền kinh tế, không tạo việc làm cho dự án đấy và không tạo ra việc làm cho doanh nghiệp.
Cát Anh (T/h)