Ảnh hưởng của tình trạng quá tải chuỗi cung ứng, hiện có 24 tỷ USD hàng hóa đang chờ được cập cảng California.
Tình trạng tắc nghẽn cảng đã trở thành mối lo ngại lớn và chưa thể chấm dứt trong năm nay. Đáng buồn, tình trạng này sẽ có thể kéo dài và trở thành đề tài nóng của năm 2022.
Bằng chứng rõ ràng nhất về cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng là hình ảnh hàng chục tàu container lênh đênh bên ngoài cảng Los Angeles và Long Beach chờ được bốc dỡ và vận chuyển. Goldman Sachs ước tính giá trị hàng hóa của các con tàu này lên tới 24 tỷ USD.
Các nhà kinh tế nhận định: “Tại thời điểm hiện tại, chưa có giải pháp để xử lý tạm thời tình trạng mất cân bằng lượng cung – cầu tại các cảng của Mỹ”.
Đây là tin xấu đối với nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ. Những khó khăn trong việc cung ứng đang khiến giá chi phí vận chuyển hàng tăng mạnh và từ đó khách hàng có ít lựa chọn hơn. Giá tiêu dùng tăng mạnh với tốc độ nhanh nhất trong 12 tháng kể từ năm 2008.
Nút thắt trong chuỗi cung ứng không chỉ xảy ra ở California, thời gian vừa qua, các tàu chở hàng chạy qua các cảng ở Mỹ đã tăng gấp 3 lần so với mức bình thường.
Dự đoán chỉ khi Mỹ qua giai đoạn mùa lễ cuối năm thì tình trạng tắc nghẽn tại các cảng sẽ thuyên giảm trong những tháng tới. Miễn là từ thời điểm hiện tại sẽ không có bất kỳ cú shock nào (ví dụ thông báo phong tỏa chống Covid-19) thì tình trạng tắc nghẽn sẽ giảm sau Tết 2022.
Với tình hình trước mắt, các nhà phân tích dự báo giá cước vận chuyển vẫn sẽ vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch trong ít nhất là năm tới.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg thừa nhận cho dù có những tín hiệu tích cực, thuận lợi nhưng “điểm đen” trong chuyện tắc nghẽn chuỗi cung ứng sẽ kéo dài trong năm sau.
Cùng thời gian đó, cảng Los Angeles, các công đoàn và một số doanh nghiệp lớn cam kết với Nhà Trắng về việc sẽ hoạt động 24/7. Ông Bob Biesterfield, CEO tổ chức C.H. Robinson Worldwide (công ty môi giới tàu biển lớn nhất tại Bắc Mỹ) nhận xét tình trạng thiếu lái xe tải cũng như công nhân kho bãi đang khiến cho hoạt động xử lý hàng hóa trở nên tồi tệ. Rất có thể sau 4,5 tháng nữa, tình trạng này khó mà xử lý trong một sớm một chiều.
Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã khiến cho chính quyền Tổng thống Joe Biden phải cử riêng quan chức chính quyền đi xem xét và giải quyết tình hình khi họ nhận được quá nhiều lời phàn nàn từ doanh nghiệp Mỹ về tình trạng nguồn cung suy giảm, hàng vận chuyển chậm và chi phí tăng cao chóng mặt.
Động thái trên chắc chắn sẽ giúp ích nhiều trong việc giải quyết bài toán khó về chuỗi cung ứng ở trước mắt, cần sự giúp sức từ phía các nhà điều hành đường sắt, nhà kho và nhân lực vận tải. Một trong những điều quan trọng nhất chính là tình trạng thiếu lái xe tải và công nhân bốc dỡ.
Mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cảnh báo tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng hiện nay có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng phục hồi kinh tế toàn cầu sau dịch bệnh.
Các quan điểm và ý kiến được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và chúng không cấu thành lời khuyên về tài chính, đầu tư hoặc các lời khuyên khác.
Zoe Nguyen (Nguồn CNN)