Phân bổ đầu tư trong danh mục như thế nào cho hợp lý luôn là câu hỏi của các nhà đầu tư. Cùng ViMoney tham khảo chia sẻ dưới đây của Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp.
Hôm nay, tôi xin chia sẻ góc nhìn của mình về phân bổ đầu tư cá nhân. Trước khi viết, tôi xin nhấn mạnh đây chỉ là những đúc kết của bản thân, không mang tính định hướng hay đúng/sai gì hết, cũng không định khuyên nhủ bất cứ ai. Các bạn thấy có ích đọc để tham khảo, nếu thấy vô bổ có thể bỏ qua.
Tôi sinh ra trong một gia đình công chức ở Hà nội, không thuộc “danh gia vọng tộc” để có của chìm của nổi. Năm 18 tuổi đã xa nhà đi Liên xô (cũ) du học. Gần 14 năm học hành, làm việc ở xứ sở Bạch dương. Trở về nước cũng không có nhiều nhặn gì ngoài vài cái nồi hầm, bàn là và mấy thùng sách. Dành dụm được chút ít cùng số tiền của bố mẹ, mua được miếng đất, dựng được cái nhà để lập nghiệp ở Sài gòn. Đất thì mua khoảng 4 cây vàng, nhà xây mất hơn 10 cây. Coi như xong xuôi là cũng không có gì nữa. Tôi cũng có một thời đi làm cho nhà nước, nhưng sau không đủ ăn nên ra ngoài tìm đường. Cũng trải qua đủ thứ nghề, tôi mới nghiệm ra rằng chỉ có Đầu tư, mới có thể mang lại thành quả lâu bền.
Peter Lynch từng nói “Know what you own, and know why you own it.” – “Biết những gì bạn sở hữu và biết tại sao bạn sở hữu nó”. Câu nói này tưởng chừng khá đơn giản, nhưng thực ra bản thân tôi ban đầu không hiểu, và cũng không làm đúng. Tôi cũng từng theo phong trào mua đất dự án, mua một miếng đất Q9 mà chưa nhìn thấy nó thực tế. Có lần tôi nổi hứng lên dẫn bạn đi khoe đất, thế nào mà đi cả ngày trời không tìm ra nó ở đâu cả ! Còn mua để làm gì thì thấy ai cũng mua, vậy là mình chạy vạy mua theo. Cuối cùng tôi may mắn bán hòa vốn đâu đấy tầm 3 triệu/m2, nếu để đến bây giờ chắc giàu to.
Thời đó tôi ít nghĩ vế rủi ro, chỉ thấy cái gì “ngon” là lao ngay vào. Mà đã vào là vào hết, không bao giờ có ý nghĩ chia ra nhiều thứ đầu tư khác nhau. Tôi biết về Chứng khoán cũng khá sớm, cũng học và nghiên cứu về nó tương đối nghiêm túc và bài bản. Nhưng khi đã “chơi” chứng khoán là dốc hết vốn vào đó luôn. Những năm đầu khi thị trường chỉ có hơn 10 mã, tôi đã từng bán luôn con xe Cub 81, để có vốn đầu tư. Giai đoạn thăng hoa nhất là 2006-2007 khi “thời đến không cản nổi”. Tài sản tăng nhanh, mình “ngạo nghễ” tưởng thiên tài “chứng”, đi mua nhà Saigon Pearl, PMH, đâu thèm trả giá, một vài tỷ lặt vặt đâu thèm để ý.
Thế rồi cũng đến lúc “cái thời” kia trở mặt. Nhà cửa hết căn này đến căn khác “khăn áo ra đi” để dồn tiền vào gỡ. Tư tưởng “ngã ở đâu đứng dậy ở đó” còn bao trùm, cay lắm ! Thế rồi ngay cả căn nhà cuối cùng đang ở cũng bán nốt để trả nợ ngân hàng. Đã có thời gian khoảng 5-7 năm, tôi hầu như không đầu tư gì, chỉ đi làm ăn lương của CTCK.
Đọc thêm: Cách chọn cổ phiếu và xác định vùng mua: 3 định tính – 5 định lượng
Cơn đại dịch bắt đầu từ tháng 3/2020 lại cơ hội hàng thập kỷ nữa chưa chắc đã xuất hiện lại. Trùng hợp là tôi nghỉ hoàn toàn ở Công ty chứng khoán, chỉ chuyên tâm cho đầu tư cá nhân. Cũng khá may mắn là khi rất nhiều người bi quan, chim lợn bay rợp trời, tôi lại luôn nghĩ “dịch bệnh là thứ không thể tiêu diệt hoàn toàn, chấp nhận nó tồn tại, nhưng không sớm thì muộn Covid cũng sẽ bị khống chế, kinh tế sẽ khởi sắc trở lại”. Ngay từ khi có những thành quả đầu tiên, nhưng cũng rất lớn, hồi tháng 11 năm 2020, tôi đã bắt đầu suy nghĩ về việc phân bổ tài sản đầu tư, không bỏ trứng vào một rổ.
Nguyên tắc thứ nhất:
Luôn coi Cash (tiền mặt) là một khoản đầu tư. Rất ít người nghĩ “giữ tiền mặt” cũng là đầu tư, nhưng hãy luôn nghĩ rằng dù gửi TK với lãi suất rất thấp, không bù đắp được tốc độ trượt giá của đồng tiền, nhưng đó lại là cứu cánh khi cần thiết. Do đó, tôi đã lấy 30% tài sản ra để thành Cash. Tuyệt đối không mua Trái phiếu dưới mọi hình thức, vì đây là loại hình rủi ro còn hơn chứng khoán.
Nguyên tắc thứ hai:
Sau khi trừ phần Cash ra, cần phân chia cho vài loại hình đầu tư khác nhau. Có thể chọn các kênh phổ thông như BĐS, CK, Vàng, … Cá nhân tôi chỉ chọn 2 kênh là BĐS và CK. Tôi mua BĐS xác định rõ ràng là khoản đầu tư, không có ý định ở (nhà có thể đi thuê để ở). Đầu tư cũng phải tính dài hạn vài năm, không có lướt sóng. Còn đối với CK thì tôi chia Danh mục ra làm 2 phần, phần lõi là Đầu tư dài hạn theo chu kỳ 2020-2023, phần Danh mục trading là dùng một phần tiền + sức mua vay (Margin) để đánh theo sóng. Gần như là phần lõi tôi giữ nguyên, rất ít khi thay đổi. Còn Danh mục trading ngắn hạn thì có lúc = 0, có lúc đầy xe.
Nguyên tắc thứ ba:
Cân bằng phân bổ đầu tư. Với số tiền dành cho đầu tư CK khoảng 50% lúc ban đầu, tôi luôn kiểm soát theo hướng giới hạn và giảm dần. Giảm không phải là giảm tiền (tiền nhiều khi còn tăng lên), mà ở đây là cân bằng tỷ trọng so với 2 phần Cash và bất động sản. Có nghĩa là tôi luôn rút lãi từ CK ra trong uptrend, để phân bố vào 2 phần kia. Bây giờ tỷ trọng của tôi đã đạt con số mục tiêu là 40%, 30%, 30%.
Nguyên tắc thứ tư:
Tuân giữ kỷ luật tỷ trọng. Trong 2 lĩnh vực đầu tư mà tôi lựa chọn, CK là thứ biến động không ngừng. NAV của phần này lên xuống thất thường, cho nên không thể chỉ vì một vài ngày xuống dưới 30% mà vội vã bơm tiền vào để đưa lên. Điều chỉnh là một quá trình, cần một thời gian nhất định để cân bằng ở đáy. Cho nên kể cả phần CK đã xuống dưới 30%, nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh trên 20%, có giá hấp dẫn trong tương lai, cũng nên hết sức bình tĩnh chờ đợi. Sau một thời gian đủ dài, khi thanh khoản đã tương đối thấp, giá không thể giảm sâu hơn nữa, lúc đó mới nên chuyển một phần Cash vào.
Trên đây là 4 nguyên tắc để xây dựng phân bổ đầu tư. Ngày hôm nay khi Việt Nam đang “rối bời” trong việc chống dịch, khi tâm lý bi quan chán nản đang dâng cao, để nói về đầu tư lúc này có vẻ không phù hợp lắm. Nhưng quan điểm cá nhân của tôi lúc này là dứt khoát không định rời bỏ mảng chứng khoán, cơ hội để TTCK Việt Nam tiếp tục bay cao là rất lớn. Chỉ cần có ứng xử tốt, biết quản trị rủi ro danh mục, biết tuân thủ kỷ luật, chắc chắn chứn khoán vẫn là kênh đáng đầu tư nhất trong năm 2021 và vài năm tiếp theo.
Nguồn:: FB Nguyễn Hồng Điệp