Tập đoàn điện gió lớn nhất thế giới Orsted (Đan Mạch) đề xuất đầu tư vào dự án điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng.
Được biết, lãnh đạo thành phố đã có buổi gặp với đoàn công tác Đại sứ quán Đan Mạch vào chiều 2/11 để bàn về dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Orsted.
Tập đoàn Orsted là nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, chiếm 29% công suất lắp đặt toàn cầu và sản xuất 88% năng lượng từ các nguồn tái tạo. Tập đoàn này do Chính phủ Đan Mạch nắm cổ phần chi phối.
Tập đoàn Orsted đề xuất nghiên cứu, khảo sát dự án điện gió ngoài khơi có tổng công suất là 3.900 MW với tổng mức đầu tư ước tính 11,9-13,6 tỷ USD. Dự án chia làm 3 giai đoạn.
Theo đó, sản lượng gió dự kiến là khoảng 13.665.600 MWh/năm; tuabin gió dự kiến lắp đặt công suất khoảng 20 MW, chiều cao trụ từ 150m đến 200m.
Đại diện Tập đoàn Orsted tại Việt Nam đã xác nhận hồi tháng 7 rằng đang tìm cơ hội đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tại vùng biển Hải Phòng. Thời điểm đó, Orsted cho biết đang tập trung nhiều nhất vào dự án điện gió 4,6 GW tại Tuy Phong, Bình Thuận.
Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Bởi theo nhận định của ông, dự án điện gió ngoài khơi của Orsted phù hợp với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, đó là ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Ông Thọ đề nghị doanh nghiệp cung cấp thêm tài liệu, bổ sung những vấn đề được các đơn vị chức năng đặt ra nhằm đảm bảo tính khả thi trong triển khai, nghiên cứu quy hoạch.
Ông Thọ cũng yêu cầu Tập đoàn này cần rà soát, làm rõ các nội dung liên quan đến vị trí khảo sát cũng như khoảng cách bố trí các tuabin gió phù hợp để kết hợp và phát triển hợp lý không gian biển, đảm bảo tuân thủ các quy định; việc phân kỳ đầu tư, không làm tác động ảnh hưởng đến luồng hàng hải, vấn đề an ninh quốc phòng…
Giá trị của các dự án điện gió
Ở một diễn biến khác, mới đây, 16/18 dự án điện gió xây dựng tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đã được công nhận vận hành thương mại (COD) và hưởng giá FIT từ ngày 1/11/2021. 16 dự án này có công suất 615,9MW/632,2MW.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị – ông Lê Tiến Dũng cho biết, trong số 29 dự án điện gió được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, 18 dự án điện gió đã triển khai đầu tư, xây dựng tại huyện miền núi Hướng Hóa.
Vào giữa tháng 9/2021, Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị nhận định rằng 18 dự án điện gió sẽ kịp vận hành thương mại. Nhưng vì một số lý do, 2 dự án chưa kịp vận hành.
Ông Lê Tiến Dũng chia sẻ, mỗi năm, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Trị vào khoảng 40.000 tỷ đồng. Việc có thêm các dự án điện gió đã được vận hành thương mại, mỗi năm tỉnh này thu thêm khoảng 5000-7000 tỷ đồng.
Cát Anh (T/h)