Điểm tin doanh nghiệp: LSS, VND, GDT. CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT) thông báo 17/11 là ngày đăng ký cuối cùng nhận chi trả cổ tức đợt 1 năm 2021 bằng tiền mặt, tỷ lệ đạt 20%.
LSS: Ông Lê Văn Tam thôi làm Chủ tịch HĐQT ở tuổi 85, con trai Lê Văn Tân lên thay
Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco, mã chứng khoán LSS: HOSE) vừa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên nhiệm kỳ 2021-2026 (phiên thứ nhất) vào ngày 6/11.
Đại hội thông qua miễn nhiệm các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016 – 2021 gồm ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT; ông Lê Văn Tân – Phó chủ tịch thường trực HĐQT và các Ủy viên HĐQT là ông Lê Trung Thành, ông Phùng Thanh Hải, ông Nguyễn Thanh Tân.
Đại hội đã bầu HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026, ông Lê Văn Tân làm Chủ tịch HĐQT, ông Lê Trung Thành làm Phó chủ tịch HĐQT, bà Lê Thị Huệ, Thường trực HĐQT.
Trong đó, ông Lê Trung Thành và ông Lê Văn Tân là con của ông Lê Văn Tam, ông Tân là con trai thứ. Nhiệm kỳ trước, ông Lê Văn Tân giữ vị trí Phó Chủ tịch thường trực HĐQT. Với việc dừng lại để thế hệ tiếp theo lên thay ông, Mía đường Lam Sơn được kỳ vọng có làn gió mới.
Ông Lê Văn Tam sinh năm 1936, là Anh hùng lao động, có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp khi đảm các chức vụ như Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban Quản lý xây dựng vùng mía Thanh Hóa. Năm 1988, ông về làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Mía đường I kiêm Giám đốc nhà máy đường Lam Sơn. Khi đó ông 52 tuổi.
Như vậy, ông Lê Văn Tam đã có 33 năm công tác và lãnh đạo tại Công ty Mía đường Lam Sơn.
Nhiệm kỳ 2021-2026, LSS thông qua chương trình kế hoạch với 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung sản xuất hiệu quả, an toàn, chất lượng, rà soát lại bộ máy tổ chức của công ty, rà soát lại quy chế hoạt động của HĐQT và hệ thống các quy chế.
Niên độ 2020-2021, LSS ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.846 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 22,8 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2021, LSS có tổng tài sản 2.518 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.553 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/6/2021 đạt 85,2 tỷ đồng. Chi trả cổ tức niên độ 2019/2020 là 6,5%, niên độ 2020/2021 tỷ lệ là 2%.
Niên độ 2021-2022, LSS đề ra chỉ tiêu doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 140%; lợi nhuận trước thuế 99,6 tỷ đồng, tăng 355% so với thực hiện của niên độ 2020-2021. Cổ tức chi trả tỷ lệ 8%, tăng gấp 4 lần so với năm ngoái.
Cổ phiếu LSS đã tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/11, LSS đạt 17.750 đồng/cổ phiếu, tăng 120% so với hồi đầu năm.
***Điểm tin doanh nghiệp 8/11: Coteccons, CTD, HBC, FID, TTC***
VNDirect (VND) Lợi nhuận quý III các công ty trên sàn chứng khoán tăng 17,8% bất chấp giãn cách
Tổng lợi nhận của các công ty niêm yết trên ba sàn (HoSE, HNX, UPCoM) tăng 17,8% so với cùng kỳ, thấp hơn so với quý I và II lần lượt là 92% và 72,3%. Các doanh nghiệp thuộc VN30 và vốn hóa lớn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận quý III là 21,3% và 20,2% so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp của thị trường đạt mức cao nhất trong 5 năm. Theo thống kê của Chứng khoán VNDirect, tính tới ngày 3/11, 717 công ty niêm yết trên 3 sàn, chiếm 86% giá trị vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh quý III.
Theo ước tính của VNDirect, trong quý III tổng lợi nhận của các công ty niêm yết trên ba sàn (HoSE, HNX, UPCoM) tăng 17,8% so với cùng kỳ, thấp hơn so với quý I và II lần lượt là 92% và 72,3%. Kết quả trên phần nào khá bất ngờ khi GDP quý III giảm 6,2% so với cùng kỳ trong bối cảnh giãn cách xã hội trên toàn quốc nghiêm ngặt. Lợi nhuận lũy kế 9 tháng tăng mạnh 54,6%.
Các doanh nghiệp thuộc VN30 và vốn hóa lớn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận quý III là 21,3% và 20,2% so với cùng kỳ, vượt trội so với nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ (tương ứng 12,2% và giảm 24%).
14 công ty trong rổ VN30 ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực, dẫn đầu là PV Power (HoSE: POW) tăng 360%, Hòa Phát (HoSE: HPG) tăng 174%, và Vinhomes (HoSE: VHM) tăng 84,3%.
Kết quả tích cực của PV Power đến từ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) tăng 350% nhờ giá bán bình quân cao hơn trong bối cảnh giá dầu Brent tăng. HPG hưởng lợi bởi mức tăng về khối lượng giá bán bình quân của thép . Trong số các ngân hàng, TPBank (HoSE: TPB) và Techcombank (HoSE: TCB) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất lần lượt là 40,2% và 40%.
Ở chiều ngược lại, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) giảm 178%, Vingroup (HoSE: VIC) giảm 123% và Vincom Retail (HoSE: VRE) giảm 96%, Petrolimex (HoSE: PLX) giảm 91%, Novaland (HoSE: NVL) giảm 4% là những cái tên ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất. Tất cả các công ty này đều bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội và hạn chế vận tải trong quý III.
Biên lợi nhuận gộp của thị trường đạt mức cao nhất trong 5 năm. Theo quan điểm của VNDirect, biên lợi nhuận gộp (không bao gồm ngành ngân hàng) trong quý III đã tăng đáng kể nhờ chủ yếu do biên lợi nhuận gộp của ngành bất động sản, hóa chất và thép khả quan hơn cùng kỳ. (Dữ liệu đã loại trừ các hãng hàng không do không đủ dữ liệu).
Về từng nhóm ngành cụ thể, ngân hàng nhường sân khấu chính cho thép và dịch vụ tài chính. Cụ thể, các doanh nghiệp thép hưởng lợi từ cả sản lượng tăng và giá bán bình quân cao hơn, ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 17,2% so với cùng kỳ trong quý III.
Với các doanh nghiệp dịch vụ tài chính (chủ yếu là các công ty chứng khoán), lợi nuận tăng 119,3% trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản. Lợi nhuận của ngành ngân hàng giảm tốc, ghi nhận tăng trưởng chỉ đạt 13,1% so với mức tăng 79%và 34,3% trong quý I và II do các ngân hàng tăng trưởng tín dụng chậm lại và tăng trích lập dự phòng.
Lợi nhuận ngành bất động sản chỉ tăng 6%, thấp hơn so với mức 96% trong quý II và 18% trong quý III/2020 Do các biện pháp đóng cửa và hạn chế di chuyển trong tháng 8-9, ngành đồ uống, ôtô, bán lẻ, vận tải ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận ròng nặng nề trong quý III với mức giảm lần lượt 65%, 54%, 53%, 18%. Bên cạnh đó, các ngành khác tăng trưởng lợi nhuận âm bao gồm xây dựng và vật liệu (giảm 32% so với cùng kỳ), khai khoáng (giảm 37%).
GDT vẫn dự chi tạm ứng cổ tức 2021 tỷ lệ 20%
CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT) thông báo 17/11 là ngày đăng ký cuối cùng nhận chi trả cổ tức đợt 1 năm 2021 bằng tiền mặt, tỷ lệ đạt 20%.
Với hơn 17 triệu cp đang lưu hành, ước tính GDT cần bỏ ra trên 34 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông, dự kiến vào 26/11.
Gần nhất, Công ty vừa trả cổ tức đợt 2 năm 2020 bằng tiền mặt cũng với tỷ lệ 20%, vào ngày 30/09/2021.
ĐHĐCĐ GDT đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 50% bằng tiền mặt và/hoặc bằng cổ phiếu, tương ứng số tiền trên 97 tỷ đồng.
Năm 2021, GDT đặt mục tiêu lãi sau thuế đạt 86.4 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện 2020. Sau 9 tháng đầu năm, Công ty đã đem về gần 43 tỷ đồng, giảm 17% so cùng kỳ và thực hiện 50% kế hoạch năm.
Trong quý 3/2021, do giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 nên Công ty đã tạm dừng sản xuất gần 3 tháng từ 15/07-04/10/2021. Điều này dẫn đến doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 69% và 74% so cùng kỳ, về 33 tỷ đồng và 6 tỷ đồng. Đây cũng là quý kinh doanh tệ nhất của GDT kể từ khi niêm yết (2009) đến nay.
Mới đây, GDT vừa phát đi thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; bổ sung danh sách nhà đầu tư chiến lược và số lượng cổ phiếu cụ thể trong phương án phát hành riêng lẻ. Ngày chốt danh sách vào 23/11/2021.
Cổ phiếu GDT chốt phiên 05/11 ở 63,400 đồng/cp, tăng hơn 60% kể từ đầu năm. Khối lượng giao dịch bình quân 1 quý gần đây đạt 80,000 cp/phiên.