Trước thời hạn trả lãi suất 148 triệu USD trái phiếu nước ngoài, Evergrande đã huy động được khoảng 144 triệu USD.
Những “cú xoay” của Evergrande
Được biết, thời hạn thanh toán khoản lãi suất trái phiếu này là ngày 10/11. Đây là khoản nợ quá hạn mà tập đoàn này đã bỏ lỡ vào tháng trước.
Tập đoàn Evergrande mới đây đã huy động được khoảng 144 triệu USD bằng cách cắt giảm cổ phần trong một công ty internet, chỉ vài ngày trước thời hạn thanh toán lãi cho khoản nợ quá hạn.
Được biết, Evergrande đã bán 5,7% cổ phần có tổng trị giá 1,12 tỷ HKD (144 triệu USD) trong công ty chuyên phát triển internet HengTen Networks Group theo 3 giao dịch riêng biệt từ ngày 4/11.
Việc bán cổ phần trong HengTen khiến số cổ phần Evergrande còn sở hữu trong công ty dịch vụ Internet này giảm từ 26,55% xuống 20,82%. Điều này đã khiến Tencent trở thành cổ đông lớn nhất, với gần 24% cổ phần.
Ôm khoản nợ hơn 300 tỷ USD, tập đoàn Evergrande đang cố gắng xử lý tài sản của mình để huy động tiền mặt. Tuy nhiên, theo như hãng Bloomberg đưa tin thì một số chủ sở hữu trái phiếu nước ngoài nói chưa nhận được khoản thanh toán hơn 80 triệu USD có thời hạn vào ngày 5/11.
Vốn là một tập đoàn bất động sản lớn tại Trung Quốc nhưng Evergrande sau đó đã rơi vào cuộc khủng hoảng sau khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu có nhiều chính sách siết chặt quản lý lĩnh vực bất động sản kể từ năm ngoái.
Trong tháng 10/2021, Evergrande đã tìm mọi cách xoay sở nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ 2 lần, sau khi thực hiện thanh toán lãi suất quá hạn cho các chủ sở hữu trái phiếu nước ngoài.
Gần đây, Evergrande thông báo đã giao hơn 57.000 bất động sản cho người mua trong khoảng thời gian từ tháng 7-10/2021. Đây có thể coi là một trong những nỗ lực của tập đoàn này nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.
Dù vậy, việc bán lượng cổ phần trị giá 2,6 tỷ USD cho một nhà phát triển Hong Kong bất thành trong tháng trước đã khiến cổ phiếu của Evergrande lao dốc, ngay khi nối lại giao dịch trên Sàn chứng khoán Hong Kong sau 17 ngày tạm ngừng.
Cơn bán tháo và nỗi lo
Vụ bom nợ Evergrande tưởng chừng sẽ chỉ ảnh hưởng đến các nhà phát triển bất động sản có trái phiếu bị xếp hạng ở mức rác nhưng vài ngày gần đây, các nhà đầu tư ngày càng lo ngại nhiều hơn về sự ảnh hưởng của nó đến các công ty bất động sản lớn cũng như toàn nền kinh tế.
Đó là bởi, cơn bán tháo cổ phiếu đã lan sang cả các công ty bất động sản vẫn được đánh giá là có chất lượng cao hơn hay những tập đoàn lớn trong những ngành khác.
Ngày hôm qua, mức spread của trái phiếu USD do Tencent phát hành tăng lên 137 điểm cơ bản (thêm 12 điểm). Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7. Trái phiếu các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng phần nào.
Theo đánh giá của chuyên gia Dhiraj Bajaj của Lombard Odier, tồn tại nguy cơ vỡ nợ dây chuyền trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc.
Hiện nay, tình trạng nợ quá hạn dù chỉ xảy ra trong các công ty nhỏ, hạn chế được rủi ro đe dọa toàn bộ thị trường tài chính. Tuy nhiên, sự kiện Kaisa Group – nhà phát hành trái phiếu USD lớn thứ 3 trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc lại làm dấy lên những lo ngại về việc khó kiểm soát cuộc khủng hoảng tín dụng.
Cát Anh (T/h)