Đại biểu TPHCM – ông Nguyễn Thiện Nhân vừa đưa ra đề xuất dành khoảng 4% GDP để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Theo đó, tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội của Quốc hội, được tổ chức vào chiều ngày 9/11, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đã nêu đề xuất sử dụng 4% GDP, được tính theo số GDP đánh giá lại vào cuối năm 2020, tương ứng là 13,7 tỷ USD, tức khoảng 320.000 tỷ đồng.
Vị đại biểu TPHCM nhận định, Quốc hội có thể chấp thuận chuyển 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa chi hết trong năm 2021 sang sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp và phục vụ công tác phòng chống dịch.
Hiện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đang trình các cơ quan chức năng chương trình khôi phục kinh tế. Gói hỗ trợ của chương trình này chưa được tiết lộ quy mô chi tiết, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, con số này có thể tối thiểu nửa triệu tỷ đồng – mức tổng đầu tư công hàng năm, hay thậm chí có thể lên tới 800.000 tỷ đồng (tương đương với 35 tỷ USD). Dù là con số nào, các chuyên gia cho rằng, nguồn lực để thực hiện chương trình khôi phục kinh tế có thể đa phần tới từ công cụ chính sách tài khóa.
Tuy nhiên, nợ công sẽ bị tác động nếu nhà nước sử dụng công cụ này. Cũng trong phiên thảo luận của Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách – đại biểu Nguyễn Hữu Toàn lưu ý rằng, việc nới mức trần nợ công để hỗ trợ kinh tế sẽ khiến quy mô dư nợ đến năm 2025 tăng gấp đôi so với giai đoạn đầu nhiệm kỳ, gây nên rủi ro cao cho an ninh tài chính.
Ông Toàn nhận định, nếu xét theo tỷ lệ nợ công trên GDP, quy mô 44% có thể ở mức thấp, nhưng đạt được con số này chủ yếu là nhờ việc điều chỉnh lại số liệu GDP tăng thêm hơn một triệu tỷ đồng.
Mặt khác, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, quy mô nợ công cũng liên tục tăng. Tốc độ tăng nợ bình quân trong giai đoạn 2011-2015 lên tới 18,1%, trong nhiệm kỳ 5 năm gần đây nhất, mức tăng rút xuống còn hơn 6,5%. Nếu nhiệm kỳ này căn cứ theo mục tiêu tăng nợ trung bình khoảng 11%, vào cuối năm 2025, quy mô nợ công có thể đạt 6,5 triệu tỷ đồng.
Theo đại biểu TPHCM – ông Nguyễn Thiện Nhân, sau gần 4 tháng dừng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không có nguồn thu nhập, không có kinh phí để mua vật tư, nguyên liệu cho giai đoạn sắp tới hay để chi trả lương cho người lao động trong khi sản phẩm chưa tiêu thụ được. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn không có tiền trả chi phí vận tải, tiền điện nước,…
TPHCM hiện là địa phương có nhiều doanh nghiệp nhất cả nước, khoảng 288.000 doanh nghiệp nhưng quy mô hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, bình quân vốn sản xuất kinh doanh khoảng 41 tỷ đồng, 14 lao động, 27 tỷ doanh thu hàng năm và đóng thuế khoảng 830 triệu đồng.
Do đó, ông Nhân chia sẻ, theo dự báo khoảng 20% doanh nghiệp có thể tự tái khởi động, không cần hỗ trợ từ nhà nước. Nhưng 80% doanh nghiệp còn lại cần hỗ trợ để có vốn lưu động, với mức vay bình quân khoảng 5 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp, 25 triệu đồng với hộ kinh doanh cá thể. Ông Nhân cho rằng, với tổng mức vay khoảng 440.000 tỷ đồng, hầu hết doanh nghiệp có thể khởi động trở lại.