Meta chính thức công bố mối quan hệ hợp tác với Microsoft để tích hợp Meta Workplace với Microsoft Teams
Meta (trước kia là Facebook) với sự kết hợp cùng Microsoft đã đánh dấu bước ngoặt lớn, thị trường công nghệ chứng kiến màn giao hảo giữa 2 đối thủ có sức vóc khổng lồ từng cạnh tranh nhau trên bản đồ Big Tech.
Sự hợp tác này được dự đoán mang về cho ông chủ Meta nhiều lợi ích khi mà dịch vụ Workplace tụt hậu đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh về lượng người dùng.
Được biệt, sau cái bắt tay thế kỷ, khách hàng có thể được cấp quyền truy cập vào nội dung Workplace bên trong ứng dụng Teams. Tương tự như vậy, người dùng có thể xem các cuộc họp video của Nhóm trong ứng dụng Workplace.
Mặc dù hợp tác nhưng đôi bên vẫn giữ nguyên lập trường kinh doanh của mình. Trong khi Workplace tập trung vào các kết nối rộng rãi trên toàn công ty, thì Teams tập trung vào giao tiếp tức thời giữa người lao động và đồng nghiệp trực tiếp của họ.
Nhà quản lý Ujjwal Singh lên tiếng: “Cách mà khách hàng của chúng tôi sử dụng ứng dụng là các tính năng bổ sung chứ không phải sự cạnh tranh. Điều này thực sự dành cho những khách hàng sử dụng cả hai”.
Meta Workplace đã công bố số liệu mới nhất vào tháng 5 khi đã đạt mốc 7 triệu người đăng ký trả phí. Trong khi đó, vào tháng 7, Microsoft đã thông báo rằng sản phẩm Teams hiện có 250 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Ngoài Teams, Microsoft cũng cung cấp Yammer, phần mềm mạng xã hội dành cho doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp hơn với dịch vụ Workplace của Meta.
Vào tháng 8/2021, Microsoft cho biết mức sử dụng của Yammer đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái khi ghi nhận hàng chục triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Mặc dù Workplace có tích hợp với Office 365, SharePoint, Azure Active Directory, OneDrive của Microsoft và bây giờ là Teams, nhưng không có tích hợp nào với Yammer.
Cuộc dạo chơi trong vũ trụ ảo Metaverse
Trong động thái khác, có vẻ như Microsoft và Meta đều đã tham gia vào vũ trụ ảo Metaverse, tuy nhiên chưa rõ ai sẽ là người thắng thế trong cuộc đua này.
Về phần Microsoft, sau khi dành phần lớn thời gian trong 2 năm qua với các cuộc họp video nhóm của ứng dụng Teams, các nhân viên của đế chế tỷ USD này liệu có sẵn sàng để bước chân vào thế giới kỹ thuật số hay không?
Trong tuần đầu tiên của tháng 11, Microsoft đã đưa ra kế hoạch giới thiệu với 250 triệu người dùng tham gia vào vũ trụ ảo đa dạng hơn được gọi là Metaverse.
Microsoft cho biết trong nửa đầu năm 2022, người dùng Teams sẽ có thể bắt đầu xuất hiện dưới dạng ảnh đại diện trong các cuộc họp trực tuyến mà họ đã tham dự. Ông Jared Spataro, người đứng đầu ứng dụng Teams cho biết: “Việc có một ô trống hình vuông trong cuộc trò chuyện video nhóm sẽ khiến bạn không cảm thấy không cô đơn”.
Về phần Facebook, có vẻ như ông chủ Mark Zuckerberg thực sự “chơi lớn” khi đổi tên Facebook thành Meta để khẳng định sự nghiêm túc nghiên cứu của công ty vào thế giới ảo.
Mark Zuckerberg và Giám đốc điều hành công ty khác đã thừa nhận rằng phải mất ít nhất 10 năm trước khi metaverse chuyển thành hiện thực. Liệu rằng, Facebook có bước chân vào vết xe đổ của Google trước đó hay không khi tiêu tốn hàng tỷ USD vào các dự án mới sau khi đổi thương hiệu thành Alphabet.
Cả hai công ty đều cho biết người dùng sẽ có thể tạo hình đại diện, hoặc phim hoạt hình của chính họ, và hình ảnh này có thể di chuyển tự do giữa các thế giới ảo khác nhau.
Zoe Nguyen (Nguồn CNBC)