Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đưa cảnh báo về rủi ro lạm phát năm 2022.
Ngân hàng Nhà nước vào cuộc trách nhiệm
Trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, vừa qua, đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng tới đời sống nhân dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước là một trong những cơ quan, bộ ngành vào cuộc trách nhiệm, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
Theo chia sẻ của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, từ đầu năm 2020, NHNN đã điều hành lãi suất với 3 lần giảm ở mức 1,5-2%. Đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo và kêu gọi tổ chức tín dụng giảm lãi suất với các khoản vay cũ và mới và việc giảm lãi suất tiếp tục được thực hiện giảm từ này tới cuối năm. So với trước dịch, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 1,66%. Tổng mức giảm lãi suất của các tổ chức tín dụng đạt 30.000 tỷ đồng.
Các Ngân hàng cũng đang giảm khoảng 2.000 tỷ đồng tiền phí cho các cho khách hàng. Việc giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, người dân.
Chịu nhiều áp lực, NHNN cảnh báo rủi ro lạm phát năm 2022
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, chính sách tiền tệ có 2 nhiệm vụ là điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát. Nó cũng đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đảm bảo hệ thống tín dụng hoạt động làm sao đảm bảo an toàn, sẵn sàng khả năng chi trả cho người dân.
Trong đó, NHNN luôn phải đảm bảo 2 mục tiêu này, đảm bảo cân đối lớn của vĩ mô như nợ công, bội chi ngân sách trong xem xét chính sách, công cụ thời gian tới.
Bởi vậy, trả lời về dư địa để cho tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Để xác định dư địa còn giảm lãi suất tiếp hay không, thời gian vừa qua, khi đánh giá thực trạng hoạt động ngân hàng và kinh tế vĩ mô, chúng tôi thấy năm 2021, khả năng đạt chỉ tiêu lạm phát dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội đề ra là có thể. Hết tháng 10, lạm phát mới tăng 1,81%. Tuy nhiên, 2022, rủi ro lạm phát đang có áp lực lớn”.
Giải thích thêm, bà Hồng chia sẻ, các nước tiêm phủ vắc xin, kinh tế thế giới dần phục hồi, giá cả hàng hóa trên thế giới giá tăng cao. Bà Hồng lấy ví dụ về việc các nước phát triển đang có mức lạm phát cao lịch sử, trong đó ở Mỹ, lạm phát đạt 5,3% trong tháng 9.
“Với độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP là 200%, chúng ta có áp lực rủi ro của lạm phát nhập khẩu”, Thống đốc Hồng nói.
Ngoài ra, theo bà Hồng, áp lực lạm phát và áp lực điều hành chính sách tiền tệ lớn do các ngân hàng trung ương trên thế giới đang thay đổi chính sách tiền tệ dễ dàng hiện nay. Có 65 lượt tăng lãi suất trên toàn thế giới.
Theo chia sẻ của Thống đốc, nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng. Các ngân hàng giảm lãi bằng chính nguồn lực tài chính của mình chứ không phải tiền ngân sách trong thời gian qua. Khi nợ xấu gia tăng, họ phải sử dụng nguồn lực tài chính của mình để xử lý nợ xấu.
Bà Hồng cho rằng: “Nếu chúng ta để các tổ chức tín dụng bị suy giảm, nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng chi trả cho người dân và an toàn hệ thống. Đây là bài học rất lớn từ thời gian trước đây, khi tăng trưởng tín dụng cao và thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất trong năm 2010. Nếu không tính toán cẩn thận, có rủi ro là lạm phát trở lại giống như năm 2011, có thời điểm lạm phát lên tới 18%”.
Thông tin thêm, bà Hồng cho hay, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn bộ hệ thống NHNN tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất, đảm bảo tỷ lê an toàn từng hệ thống tín dụng và toàn hệ thống, tránh tác động lan truyền.
Ngoài ra, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, tính toán gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý, vẫn đảm bảo kinh tế vĩ mô, phòng ngừa rủi ro lạm phát và an toàn hoạt động với hệ thống.
Cát Anh (T/h)