Về tiến độ cấp phép Mobile Money – theo đại diện phía Ngân hàng Nhà nước cho biết có thể ký trong tuần tới.
Tiến độ cấp phép Mobile Money
Mobile Money còn được gọi là tiền di động. Đây là một giải pháp thay thế phổ biến cho tài khoản ngân hàng và tiền mặt. Người dùng có thể sử dụng Mobile Money để thanh toán ở bất kỳ đâu chỉ thông qua điện thoại, miễn là nơi đó có sóng di động.
Trên thế giới hiện có hơn 270 dịch vụ Mobile Money, sử dụng phổ biến nhất là ở châu Á, châu Phi và Mỹ La Tinh.
Tại Việt Nam, sau Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ, đã có 3 đơn vị xin được triển khai hoạt động Mobile Money là Viettel, VNPT và MobiFone. Ngân hàng Nhà nước sau khi nhận được hồ sơ, đã chuyển lấy ý kiến của Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Công an.
Thông tin trên báo Dân Trí về tiến độ cấp phép Mobile Money, trong chiều 16/11, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết: “Hôm nay chúng tôi mới nhận được ý kiến của các bộ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng hợp, tiếp thu và chắc tuần tới ký”.
Ba đơn vị triển khai dịch vụ Mobile Money
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 diễn ra chiều 2/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú bày tỏ hy vọng trong tháng 10, 3 bộ sẽ thống nhất hồ sơ của các đơn vị. Khi đủ điều kiện và được sự thống nhất chung của 3 bộ, sẽ quyết định cho cấp phép để 3 đơn vị triển khai dịch vụ Mobile Money.
Theo ông Tú, dự kiến sẽ triển khai thí điểm trên toàn quốc trong khoảng 2 năm. Sau khi hoàn thành thí điểm, các bộ sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá và triển khai chính thức.
Phía đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, quá trình thẩm định, hồ sơ đề nghị của 3 doanh nghiệp viễn thông chưa hoàn toàn đáp ứng được các điều kiện triển khai thí điểm theo Quyết định 316/QĐ-TTg. Vì thế, các doanh nghiệp viễn thông cần có thời gian để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cũng như các Bộ cần xem xét, đánh giá, thẩm định.
Tại thời điểm đó, ông Phạm Tiến Dũng là Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho hay “không có vướng mắc gì lớn trong quá trình triển khai Mobile Money. Khi nhận được sự đồng thuận từ các bộ, NHNN sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp”.
Về ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước không hào hứng với Mobile Money vì nó ảnh hưởng tới thị phần của ngành ngân hàng, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước rất nhiều lần trong các diễn đàn, hội thảo đều đề cập đến xu hướng fintech và hợp tác fintech là xu hướng chủ đạo. Hai bên cùng hợp tác và mang lại những lợi ích thiết thực cho người dùng.
Theo vị này, “một trong những mục tiêu của Mobile Money, không phải vì Ngân hàng Nhà nước, vì doanh nghiệp viễn thông mà chúng ta cung ứng dịch vụ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo chưa được tiếp cận với dịch vụ tài chính. Và tất cả các bộ, ngành đều làm theo Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ và NHNN cũng là một trong các bộ, ngành đó. Chúng tôi cam kết tuân thủ những quy định mà Thủ tướng đưa ra”.
Cát Anh (T/h)