Nghị định 102 Chính phủ vừa ban hành có một số thay đổi trong xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Một số điều chỉnh trong xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.
Nghị định 102/2021/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Nghị định 102 sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Trong đó, sửa đổi thời hiệu xử phạt hành chính về hóa đơn là 02 năm. Trước đây, thời hiệu xử phạt hành chính về hóa đơn chỉ là 01 năm.
Ngoài ra, phạt từ 20-50 triệu đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn, trừ các hành vi: Cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành; cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác.
Phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập.
Làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Trong trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn thì sẽ phải có biên bản ghi nhận lại sự việc của người bán và người mua. Trường hợp làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế, các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.
Hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 26.
Được miễn giảm tiền phạt trong trường hợp bất khả kháng
Nghị định 102/2021 còn quy định, người nộp thuế sẽ được miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn nếu bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng.
Theo đó, mức miễn, giảm tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt trong quyết định xử phạt, không vượt quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).
Tuy nhiên, cần chuẩn bị hồ sơ chứng minh giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại và giá trị được bảo hiểm, gồm có:
– Biên bản kiểm kê, xác định giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập;
– Bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng (chứng thực) các giấy tờ sau:
+ Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật.
+ Hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định.
+ Hồ sơ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định.
Cát Anh (T/h)