Apple đang có kế hoạch cung cấp cho khách hàng khả năng sửa chữa sản phẩm của họ, điển hình là iPhone, trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý, và người tiêu dùng trên khắp thế giới yêu cầu các nhà sản xuất giảm bớt các hạn chế trong việc sửa chữa thiết bị.
Vào ngày 17 tháng 11, Apple đã công bố một chương trình mới sẽ cung cấp các linh kiện thay thế cho các sản phẩm của Apple, bắt đầu triển khai từ đầu năm sau. Chương trình được gọi là “Dịch vụ tự sửa chữa” sẽ cho phép người dùng sửa chữa các thiết bị bị hỏng, bằng cách sử dụng hướng dẫn sửa chữa mà Apple sẽ đăng trên trang web của mình.
Hiện Apple có kế hoạch bắt đầu chương trình này với một số linh kiện có xu hướng yêu cầu thay thế cao như: Màn hình, pin và mô-đun máy ảnh. Công ty này cho biết, họ sẽ có hơn 200 linh kiện và công cụ khi ra mắt và có kế hoạch bổ sung thêm vào cuối năm sau.
Chương trình sửa chữa ban đầu sẽ chỉ dành cho người dùng iPhone 12 và iPhone 13 , nhưng sau đó sẽ mở rộng cho sản phẩm Macbook sử dụng chip M1 nội bộ mới của Apple.
Công ty sẽ chỉ tiết lộ giá của các linh kiện thay thế khi chương trình chính thức triển khai vào năm sau, nhưng Apple cho biết họ sẽ tính phí người dùng cá nhân bằng mức giá mà các nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa độc lập đang tính.
Động thái của Apple diễn ra khi các nhà sản xuất thiết bị điện tử – cũng như các nhà sản xuất mọi thứ, từ máy kéo đến thiết bị bệnh viện – phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng, nhằm giảm bớt các hạn chế đối với các cửa hàng sửa chữa thiết bị độc lập hoặc tự sửa chữa (DIY).
Các công ty này bị chỉ trích vì sử dụng các chiến thuật khiến doanh nghiệp sửa chữa độc lập khó tiếp cận thiết bị hơn, chẳng hạn như sử dụng bộ nhớ hay pin không thể tháo rời, hoặc niêm phong thiết bị bằng keo đặc biệt.
Các nhà phê bình cho rằng, những chiến thuật này có thể khiến người tiêu dùng mất nhiều chi phí hơn, làm tổn hại đến các cửa hàng sửa chữa độc lập và có hại cho môi trường.
Tổng thống Joe Biden đã thông qua lệnh hành pháp vào tháng 7 chỉ đạo Ủy ban Thương mại Liên bang ban hành các quy tắc, yêu cầu các công ty cho phép tự sửa chữa. Vài ngày sau, Ủy ban Thương mại Liên bang đã nhất trí bỏ phiếu lên án các hạn chế sửa chữa hiện có của các nhà sản xuất, với chủ tịch của cơ quan.
Các công ty như Apple trước đây đã tranh luận về các chính sách sửa chữa của họ, nhằm đảm bảo các sản phẩm được sửa chữa đúng cách .
Giám đốc điều hành Apple Jeff Williams cho biết trong một thông cáo năm 2019 về chương trình sửa chữa độc lập của Apple:
“Chúng tôi tin rằng, việc sửa chữa an toàn và đáng tin cậy nhất là do kỹ thuật viên được đào tạo xử lý, bằng cách sử dụng các bộ phận chính hãng đã được thiết kế phù hợp và kiểm tra nghiêm ngặt”.
Người dùng iPhone tại Mỹ được tự sửa tại nhà trước tiên
Ngày 17 tháng 11, ông Williams đã gửi đi thông báo của Apple là mang đến cho “khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn nếu cần sửa chữa.” Ông cũng cho biết công ty “đã tăng gần gấp đôi số lượng địa điểm dịch vụ có quyền truy cập vào các linh kiện, công cụ và hướng dẫn chính hãng của Apple, và hiện chúng tôi cũng đang cung cấp một tùy chọn cho những người muốn tự sửa chữa”.
Apple cho biết, có hơn 2.800 nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa độc lập trên 200 quốc gia có quyền truy cập vào các linh kiện và dữ liệu sửa chữa của hãng.
Hiện tại, chương trình “Dịch vụ tự sửa chữa” sẽ chỉ có ở Mỹ khi ra mắt, nhưng Apple cho biết, họ có kế hoạch mở rộng chương trình này sang các quốc gia khác trong suốt năm 2022.