Giá cước vận tải biển đã giảm nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn một chặng đường dài phía trước trước khi mở ra bình minh thực sự.
Dữ liệu từ các cơ quan tài chính cho thấy cho thấy tình trạng tiến thoái lưỡng nan của chuỗi cung ứng toàn cầu đang giảm bớt, ít nhất là nó đã ngừng diễn biến tồi tệ.
Theo dữ liệu mới nhất của Drewry, một công ty nghiên cứu và tư vấn hàng hải của Mỹ, giá vận chuyển trung bình toàn cầu đối với container 40 feet đã giảm trong tám tuần liên tiếp. Mặc dù giá cước giao ngay trên tuyến Thượng Hải-Los Angeles vẫn còn cao nhưng nó cũng giảm khoảng 19% so với mức đỉnh của tháng 9 năm 2021.
Theo Sở Giao dịch Hàng hải Nam California, 71 tàu container đã đậu ngoài khơi vào ngày 19/11, thấp hơn so với mức cao điểm của 86 tàu ba ngày trước. Theo dữ liệu của Bloomberg, kể từ khi cảng Los Angeles thông báo vào tháng 10 rằng họ phạt các hãng vận tải ở lại quá lâu, số lượng container bị mắc kẹt tại cảng Los Angeles trong hơn 9 ngày đã giảm khoảng 1/3.
Các giám đốc điều hành ngành vận tải biển và bán lẻ cho biết lượng hàng tồn đọng tại các cảng của Mỹ dự kiến sẽ được giải quyết vào đầu năm 2022, khi mùa mua sắm nghỉ lễ kết thúc và nhiều nhà máy ở Trung Quốc sẽ đóng cửa trong một tuần vào dịp Tết Nguyên đán vào tháng Hai và nhu cầu sẽ không còn cao như trước.
JPMorgan Chase chỉ ra rằng nút thắt của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể đã bắt đầu giảm bớt. Doanh số bán ô tô toàn cầu trong tháng 10 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với tình hình sản suất gặp cản trở nhiều mặt trong thời kỳ dịch bệnh bùng nổ, khi số lượng các ca nhiễm dịch bệnh giảm bớt và các hạn chế sản xuất được dỡ bỏ, sản lượng của các nhà máy ở Malaysia, Việt Nam và các nước khác đã tăng trở lại trong tháng qua, làm giảm bớt phần nào áp lực trong sản xuất chất bán dẫn và dệt may toàn cầu.
Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics, cho biết: “Từ góc độ toàn cầu, thời kỳ tồi tệ nhất của các vấn đề chuỗi cung ứng đã qua.”
Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn
Áp lực khủng hoảng chuỗi cung ứng cao điểm giảm không có nghĩa là nó đã kết thúc.
Xét với mức giá cả trong quá khứ, chi phí vận chuyển vẫn rất cao: tỷ lệ chuẩn toàn cầu đã tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số Hàng hóa Baltic cho thấy giá cước vận chuyển tăng khoảng 5% trong tuần trước và giá cước cho mỗi container 40 feet là khoảng 14.700 USD, cao hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà cung cấp dữ liệu eeSea cho biết, tỷ lệ tàu container bị chậm chuyến trong tháng 10 giảm so với tháng 9, tuy nhiên lượng tàu chờ ngoài cảng không thay đổi nhiều trong tháng 11. Tính đến sáng thứ Sáu, đã có 500 tàu container cỡ lớn đang chờ cập các cảng ở Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ, tăng nhẹ so với con số 497 chiếc chờ ngày 8/10.
Tờ Wall Street Journal cho rằng các yếu tố như nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh đối với hàng hóa, tắc nghẽn tại các cảng của Mỹ, tình trạng thiếu tài xế xe tải và giá cước vận tải toàn cầu tăng sẽ vẫn là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế. Thời tiết khắc nghiệt hơn và nguy cơ xuất hiện các ca bệnh mới cũng có thể làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng một lần nữa.
Chủ nhà máy ở trung tâm sản xuất phía Nam của Việt Nam cho biết, mặc dù tình hình sản xuất suôn sẻ hơn nhiều so với vài tháng trước, nhưng thách thức vẫn còn, và nhiều công nhân trở về quê trong đợt dịch vẫn chưa quay trở lại.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các nhà máy sản xuất đồ gỗ quy mô vừa từ 200 đến 500 công nhân có tỷ lệ hoạt động khoảng 80%, nhưng số công ty sản xuất đồ gỗ có quy mô lớn hơn và lượng lao động 3.000 thì tỷ lệ hoạt động là khoảng 65%.
Các nhà điều hành trong ngành vận tải biển của Mỹ chỉ ra rằng các cảng Los Angeles và Long Beach vẫn ngập tràn container và lượng hàng hóa đến không giảm.
Alan McCorkle, Giám đốc điều hành của Yusen Terminals LLC tại Cảng Los Angeles cho biết: “Chúng tôi vẫn đang ở trong thời kỳ khó khăn nhất.”