Những ngày gần đây, khi VN-Index tiệm cận mốc 1.500 điểm, rung lắc liên tục xảy ra, nhiều nhà đầu tư FOMO đua theo những cổ phiếu tăng nóng thời gian qua đang phải chứng khiến những phiên cổ phiếu sàn hàng loạt. Vậy FOMO là gì? Làm sao để tránh được FOMO trong đầu tư khi “có tới 90 – 95% nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang thua với thị trường, việc cố gắng cạnh tranh để chiến thắng thị trường chung là điều rất khó”?
Khái niệm FOMO
FOMO là gì?
FOMO là từ viết tắt các chữ cái đầu tiên của cụm từ Fear Of Missing Out, hiểu sang tiếng Việt có nghĩa là một nỗi sợ bị bỏ rơi hay hội chứng sợ bị bỏ lỡ cơ hội. Nó miêu tả hiệu ứng tâm lý của những người sợ mình đang bỏ lỡ cơ hội khi đứng ngoài trào lưu đám đông.
Những người mắc phải hội chứng FOMO thường có cảm giác sợ hãi về việc bản thân sẽ bỏ lỡ một điều gì đó. Cảm giác này khiến người mắc thấy ám ảnh về việc người khác sẽ đạt được điều gì đó mà mình không có, dẫn tới sẽ thôi thúc người đó làm theo trong lúc thiếu lý trí, thông thường sẽ dẫn đến quyết định sai lầm, ít nhiều gây hậu quả.
Trái ngược với FOMO là FUD. FUD là từ viết tắt của các từ Fear – Uncertainty – Doubt (Sợ hãi – Không chắc chắn – Nghi ngờ), mô tả hội chứng của những nhà đầu tư luôn có trạng thái lo lắng, sợ hãi. Những nhà đầu tư này rất nhạy cảm khi nghe đến các thông tin bất lợi đến danh mục đầu tư, ngay lập tức quyết định bán tháo cổ phiếu/tài sản mình đang sở hữu.
FOMO trong đầu tư
Cụ thể, trong lĩnh vực đầu tư, FOMO chính là tâm lý choáng nghợp, ghen tỵ bởi sự thành công của người khác, do đó hình thành cảm giác lo sợ “lỡ tàu”.
Thị trường chứng khoán với tính cạnh tranh khốc liệt luôn khiến cho nhà đầu tư cảm thấy thua kém những người xung quanh. Khi theo dõi một cổ phiếu mà giá liên tục tăng, các nhà đầu tư khác bàn luận rất nhiều về nó, bạn sẽ nghĩ rằng mình đang trở thành “người tối cổ”, “lạc hậu” trong lúc mọi người đang thu lợi nhuận lớn. Dù giá cổ phiếu đó đã tăng rất cao nhưng bạn lo sợ nếu mình không mua ngay thì có thể bỏ lỡ mất cơ hội sinh lợi khổng lồ. Điều đó thôi thúc bạn muốn lập tức đưa cổ phiếu vào danh mục. Hành động đó chính là FOMO.
Ví dụ: Trong thời gian, cổ phiếu họ Louis liên tục tăng giá mạnh, trong đó có cổ phiếu BII (Công ty cổ phần Louis Land). Cho đến giữa tháng 8/2021, cổ phiếu vẫn giao dịch ở mức dưới mệnh giá, vậy mà chỉ trong gần 1 tháng, BII đã liên tục được kéo lên mức cao nhất là 34.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 16/9/2021, tăng gần 400%.
Mặc dù biết có nhiều rủi ro, nhưng nhiều nhà đầu tư xuất hiện tâm lý lo sợ nếu không đầu tư cổ phiếu thì sẽ bỏ lỡ cơ hội kiếm lợi nhuận “bằng lần” nên sẵn sàng FOMO mua mức giá cao. Chính vì vậy, tại vùng đỉnh, cổ phiếu vẫn thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư giao dịch.
Sau 1 vài phiên giảm giá, ngày 21/9, cổ phiếu tiếp tục được kéo lên 33.800 đồng/cổ phiếu trước khi thật sự đảo chiều với chuỗi giảm giá liên tục về mức thấp nhất 12.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 12/10, và kết phiên giao dịch 21/11 ở mức 14.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, những nhà đầu tư FOMO mua cổ phiếu ở vùng giá quanh 30.000 đồng/cổ phiếu có thể đã lỗ đến 50%.
Hậu quả khi mắc phải FOMO
– Tâm lý mất tập trung, luôn lo lắng, bất an vì lúc nào cũng sợ bỏ lỡ cơ hội “lên tàu”.
– Đưa ra các quyết định giao dịch sai lầm do vội vàng chạy theo tâm lý đám đông mà không hoặc không kịp tìm hiểu thấu đáo.
– Gặp các rủi ro lớn do hành động cảm tính,thiếu cân nhắc và không theo kế hoạch giao dịch.
– Thua lỗ nghiêm trọng do hay rơi vào tình trạng mua đỉnh, bán đáy. Khi rơi vào bẫy FOMO, thường nhà đầu tư sẽ không bán ngay khi đạt lợi nhuận vì còn kỳ vọng các mức lợi nhuận cao. Khi cổ phiếu mới giảm giá thì vẫn tiếp tục “gồng lỗ”, đến lúc cổ phiếu giảm mạnh thì chán nản bán tháo.
Nhà khoa học như Isaac Newton cũng từng gặp phải FOMO, ông đã chia sẻ: “Tôi có thể tính toán được sự chuyển động của các hành tinh, nhưng không thể tính toán được sự điên rồ của con người.” Năm 1720, Newton nắm giữ cổ phiếu công ty South Sea Company, ông đã thu được lợi nhuận gấp đôi trong thời gian ngắn, tương đương 7.000 bảng Anh khi cổ phiếu tăng giá mạnh với thông tin được cấp phép kinh doanh độc quyền tại khu vực Nam Mỹ.
Nhưng chỉ một vài tháng sau khi ông chốt lời, South Sea vẫn tiếp tục tăng giá khiến Newton bị FOMO theo đám đông, mua lại cổ phiếu với giá cao hơn giá khi ông bán rất nhiều. Không may cho nhà bác học, ngay sau đó South Sea Bubble lập tức rớt mạnh. Ông đã mất cả vốn lẫn lãi với số tiền khoảng 20.000 bảng Anh, một con số khá lớn vào thời điểm đó. Sau đó, nhà bác học đã cấm bất kỳ ai nhắc đến “South Sea Bubble” trước mặt mình.
5 nguyên nhân dễ khiến nhà đầu tư FOMO
Tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội
Tâm lý sợ bị lỡ tàu chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới tâm lý FOMO của nhà đầu tư. Ám ảnh về việc phải thành công, thu lợi nhuận như người khác sẽ khiến cho các nhà đầu tư mất kiểm soát, dẫn đến những quyết định nóng vội, thậm chí chệch hướng so với kế hoạch ban đầu.
Ví dụ: Bản thân muốn đầu tư cổ phiếu cơ bản, nhưng thấy bạn bè, đồng nghiệp… đầu tư cổ phiếu penny đạt lợi nhuận cao gấp mấy lần thì cảm thấy sốt ruột nên FOMO nhảy vào mua “đu” dù cổ phiếu penny đó đã bị đẩy giá quá cao!
Thiếu hiểu biết về đầu tư, dễ bị cuốn theo số đông
Phần lớn những F0 (nhà đầu tư mới) tham gia vào thị trường chứng khoán chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm, chủ yếu nghe tư vấn của broker, các hội nhóm và chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp, người quen… hay nói cách khác là mua tin đồn, bán tin tức. Tuy nhiên, cạm bẫy FOMO luôn luôn hiện hữu, vì thế cần “biết người biết ta”, sự am hiểu tường tận thị trường mới có thể bảo vệ nhà đầu tư khỏi bẫy FOMO.
Quá kỳ vọng vào thị trường
Quá kỳ vọng vào thị trường cũng góp phần tạo FOMO cho nhà đầu tư. Khi cổ phiếu đã tăng giá vượt quá cả kỳ vọng ban đầu, nhiều nhà đầu tư không những không chốt lời mà lại tiếp tục mua vào vì không muốn lỡ mất đợt tăng giá tiếp theo. Khi cổ phiếu đảo chiều đột ngột, nhà đầu tư không kịp ứng phó và đánh mất lợi nhuận và đôi khi mất luôn cả vốn.
Dĩ nhiên, thị trường chưa bao giờ vận hành một cách đơn giản như vậy. Những ý nghĩ chủ quan như trên khó có thể mang đến một kết quả như ý, nhà đầu tư rất dễ sẽ trở thành con mồi cho thị trường xâu xé.
Quá tự tin hoặc tự ti
Trong khi quá tự tin tạo nên tính chủ quan khi phớt lờ các biến động giao dịch, ham chứng tỏ bản thân, thì việc quá tự ti khi không đủ bản lĩnh và ý chí trước các biến động lớn của thị trường, dễ lay động trước các tin đồn cũng khiến nhà đầu tư dễ mắc bẫy FOMO.
Khát khao lãi lớn, kỳ vọng ăn bằng lần
Những nhà đầu tư đặt mục tiêu quá cao, khát khao lãi lớn và hay kỳ vọng “ăn bằng lần” cũng dễ mắc bẫy FOMO. Khi gặp thất bại, họ cũng lại điên cuồng tìm cách nhanh chóng lấy lại những gì đã mất!
5 bước vượt qua FOMO trong đầu tư
Không dễ gì để một người nhận ra mình đang FOMO, để vượt qua cảm giác FOMO lại càng khó hơn. Nhưng bạn có thể thử các bước sau đây để dần hình thành tâm lý vững vàng khi đầu tư, điều này sẽ giúp hạn chế được bẫy FOMO rất nhiều.
1. Tích lũy kiến thức về thị trường và am hiểu doanh nghiệp mình đầu tư
Kể các nhà đầu tư giao dịch lâu năm cũng không ai dám tự tin mình nắm bắt được thị trường, nhưng am hiểu phân tích kỹ thuật, nắm bắt tin tức kinh tế xã hội hàng ngày cũng như am hiểu doanh nghiệm mình đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư nhanh chóng nắm bắt xu hướng thị trường, lựa chọn cổ phiếu và điểm mua điểm bán chuẩn xác hơn.
2. Tỉnh táo và kiên định
Thông tin trên thị trường rất nhiều và việc nắm bắt thông tin là yêu cầu bắt buộc. Nhà đầu tư cần lựa chọn cho mình những kênh tin cậy để nắm bắt thông tin và giữ cho mình cái đầu lạnh trước những “fake news” hay những thông tin điều hướng, tránh bị FOMO.
Đặc biệt, các nhà đầu tư nên kiên định với chiến lược đầu tư mà bản thân đã đề ra. Linh hoạt trước biến động thị trường là tốt, nhưng đừng để bản thân dễ bị lung lay trước các yếu tố tác động bên ngoài khi chưa kiểm chứng rõ ràng.
3. Có chiến lược đầu tư rõ ràng
Các nhà đầu tư khi tham gia thị trường nếu không có phương pháp rõ ràng sẽ rất dễ bị rơi vào bẫy FOMO khi đưa ra các quyết định mua bán rất cảm tính: Mua khi cổ phiếu tăng, mua nhiều hơn khi cổ phiếu tăng mạnh và đôi khi tất tay khi cổ phiếu đạt đỉnh để rồi lo lắng khi cổ phiếu giảm, gồng lỗ khi cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh nhưng lại hoảng loạn bán tháo khi cổ phiếu giảm sâu và dễ rơi vào tình trạng bán đáy.
Trước khi đầu tư, cần lựa chọn chiến lược đầu tư cơ bản và tuân thủ các kế hoạch đề ra. Bạn cần biết mình muốn đầu tư dài hạn hay ngắn hạn, đầu tư theo phương pháp cơ bản hay phân tích kỹ thuật. Ví dụ, khi bạn đã xác định lựa chọn đầu tư giá trị và nắm giữ dài hạn, thì không nên quá quan tâm đến các biến động ngắn hạn. Khi bạn đã mua theo phân tích kỹ thuật, thì hãy chốt lời hay cắt lỗ theo các điểm mua bán theo mô hình.
4. Tuân thủ kỷ luật, mạnh dạn cắt lỗ
Đầu tư luôn có rủi ro cho nhà đầu tư, vì vậy khi quyết định mua cổ phiếu bạn phải đề ra các mức giá mục tiêu (target) cũng như các mức giá phải cắt lỗ (cut loss).
Hãy tuân thủ kỷ luật và mạnh dạn cắt lỗ khi giá cổ phiếu vi phạm mức cắt lỗ. Việc cắt lỗ sớm tuy vẫn đau đớn nhưng giúp nhà đầu tư bảo toàn vốn để tìm kiếm cơ hội khác tốt hơn.
5. Kiềm chế cảm xúc
Warren Buffett từng chia sẻ: “Cảm xúc là kẻ thù của lý trí”. Trước khi ra quyết định đầu tư, hãy dành thêm thời gian đánh giá quyết định của mình có bị cảm xúc chi phối quá nhiều hay không.
Để tránh FOMO, bạn hãy luôn nhớ những nguyên tắc đơn giản sau đây:
• Thị trường còn rất nhiều cơ hội để kiếm tiền. Nếu cổ phiếu đã lên giá quá cao, tốt nhất đừng FOMO mà hãy đứng ngoài cuộc.
• Lợi nhuận không dành cho tất cả: Khi bạn FOMO nhảy vào một cổ phiếu đã lên giá quá cao chính là đã giúp một người khác chốt lời thành công.
• Tiền chuyển từ tay người thiếu kiên nhẫn sang tay người kiên nhẫn, do vậy không nhất thiết phải nóng vội FOMO mà đu đỉnh cổ phiếu.