Các nhà đầu tư có thể “kiếm lời ổn định”, nhưng Elon Musk sẽ không bao giờ thua.
Trong tháng này, khi ông chủ Tesla – Elon Musk giảm đáng kể lượng cổ phiếu nắm giữ, những người ủng hộ Tesla khi nghe tin này đã nhanh chóng mua vào cổ phiếu, và hầu hết những người bán khống có dấu hiệu mệt mỏi và không ít người rời khỏi thị trường.
Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dữ liệu chuyên nghiệp S3 Partners, vị thế bán khống đối với Tesla trong tổng số cổ phiếu có thể giao dịch của công ty đã giảm từ 19,6% vào đầu năm ngoái xuống còn 3,3%. So với cùng kỳ, số lượng cổ phiếu Tesla bị bán khống giảm gần 80% xuống còn 27 triệu cổ phiếu.
Carson Block, người sáng lập quỹ Muddy Waters Capital và một tay chơi bán khống nổi tiếng, nói rằng ông hiểu lý do tại sao mọi người chọn bán khống Tesla. Ông biện hộ cho những người này rằng: “Về nguyên tắc, họ không sai.”
“Nhưng ở phía bên kia là Elon Musk, người giỏi bày trò hơn bất kỳ ai mà tôi từng gặp.”
Phong cách lãnh đạo ngông cuồng không giống ai của Elon Musk đã khiến công ty 18 năm tuổi này trở thành “con mồi” của những kẻ bán khống. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy nhanh chóng của Tesla, nhiều nhà đầu tư trong số này hiện đã từ bỏ vị thế của mình.
Michael Burry, nhà đầu tư nổi tiếng trong bộ phim “The Big Short”, đã từ bỏ quan điểm tiêu cực của mình về Tesla và đóng vị thế bán khống khi nắm giữ hơn 800.000 quyền chọn bán cổ phiếu Tesla trong quý trước. Trước đó, ông đã đặt cược vào sự suy giảm của Tesla trong một thời gian dài khi nói trong một tweet hiện đã bị xóa rằng sự phụ thuộc của Tesla vào các tín chỉ khí thải (carbon credit) để tạo ra lợi nhuận là dấu hiệu cảnh báo lớn.
Người rời bỏ cuộc chơi, người bám trụ
Không phải tất cả những người bán khống đều bỏ cuộc. Dù ghi nhận đà tăng mạnh mẽ nhưng Tesla vẫn là một trong những cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ. Giá cổ phiếu Tesla tăng hơn 1.200% kể từ đầu năm ngoái đồng nghĩa với việc tỷ lệ bán khống tăng từ 11 tỷ USD lên 28 tỷ USD so với cùng kỳ.
Giám đốc quỹ đầu cơ người Anh Crispin Odey tiếp tục đặt cược chống lại cổ phiếu Tesla. Gần đây, ông đã viết trong một lá thư cho các nhà đầu tư, “Việc định giá nhiều cổ phiếu hiện nay là vô lý” , và Tesla đã “đạt đến mức bất tử” trong vấn đề này.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng trừ khi thị trường trái phiếu bị bán tháo, giá cổ phiếu của Tesla mới có thể giảm trong ngắn hạn. “Thị trường chứng khoán sẽ không thực sự xuống dốc cho đến khi xuất hiện cơn hoảng loạn trên thị trường trái phiếu.”
Neil Campling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ của tập đoàn tài chính Thụy Sĩ Mirabaud, tiếp tục đặt cược vào sự suy giảm của Tesla vì ông có quan điểm “rất tiêu cực” về quỹ đổi mới Ark Innovation ETF của Cathie Wood. Mặc dù quỹ này nắm giữ cổ phần của Tesla nhưng giá cổ phiếu của nó đã giảm khoảng 8% trong năm nay. Ông nói: “Nếu họ không nắm giữ cổ phiếu Tesla, hiệu suất của họ sẽ còn tồi tệ hơn.”
Elon Musk khuấy động cổ phiếu qua Twitter?
Bên cạnh việc bận rộn bán cổ phiếu, Elon Musk cũng đã trải qua một tháng bận rộn trên Twitter. Cãi nhau với các quan chức và thượng nghị sĩ Liên Hiệp quốc, mở cuộc bỏ phiếu, đăng thơ cổ Trung Quốc,… chỉ một tuần sau khi hứa bán cổ phiếu, Tesla đã bị JPMorgan Chase kiện vì không trả 162 triệu USD vi phạm hợp đồng liên quan đến chứng quyền cổ phiếu.
Kể từ khi vòng bán cổ phiếu Tesla của Musk kết thúc, giá cổ phiếu của Tesla đã bắt đầu phục hồi, tăng khoảng 30% trong 30 ngày qua.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy hành động mạo hiểm trên mạng xã hội của Musk đang bắt đầu khiến một số nhà đầu tư không hài lòng. Trong phần “r / wallstreetbets” của trang mạng xã hội Reddit, nơi thảo luận về giao dịch thị trường, một người dùng đã tóm tắt tâm lý hiện tại của nhà đầu tư vào Tesla như sau:
“Những yếu tố rủi ro của Tesla là: sự cạnh tranh: 5%, các vấn đề về chuỗi cung ứng/sản xuất: 5%, những dòng tweet ngớ ngẩn của Elon Musk: 90%.”