1. Phân tích kỹ thuật là gì?
Phân tích kỹ thuật (Technical analysis – TA) là phương pháp dựa vào biểu đồ, đồ thị diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch của cổ phiếu nhằm phân tích các biến động cung – cầu đối với cổ phiếu để giúp cho nhà đầu tư quyết định thời điểm nên mua vào, bán ra hay giữ cổ phiếu trên thị trường.
2. Đặc điểm của phân tích kỹ thuật
Nếu như phân tích cơ bản (fundmental analysis – FA) – PTCB được sử dụng để đánh giá giá trị của một cổ phiếu dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì phân tích kỹ thuật (PTKT) tập trung vào việc nghiên cứu giá cả chứng khoán và khối lượng giao dịch.
Các công cụ được sử dụng trong phân tích kỹ thuật để xem xét các tác động của cung và cầu đối với một cổ phiếu sẽ ảnh hưởng tới giá của cổ phiếu đó như thế nào.
PTKT thường được sử dụng trong các chiến thuật đầu tư trong ngắn hạn.
3.Ưu và nhược điểm của phân tích kỹ thuật:
Ưu điểm:
Xác định các tín hiệu để phân tích xu hướng giá của chứng khoán là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư thành công trong các chiến lược đầu tư. Nếu phân tích cơ bản thường được sử dụng để ra quyết định đầu tư thì phân tích kỹ thuật được dùng để xác định điểm mua vào và điểm bán ra của cổ phiếu.
Nhược điểm:
Trên thị trường chứng khoán sẽ có nhiều yếu tố tác động mà chúng không thể lường trước và không thể được phát hiện ra khi phân tích kỹ thuật. Việc sử dụng phân tích kỹ thuật hoặc phân tích cơ bản không đảm bảo sẽ đem lại hiệu quả 100% cho các chiến lược đầu tư.
Bởi vậy. các nhà đầu tư cần có một chiến lược quản lý rủi ro để hạn chế tác động của các biến động bất lợi tác động tới danh mục đầu tư của mình.
4. Vai trò của Phân tích kỹ thuật
PTKT đóng vai trò là công cụ trợ giúp nhà đầu tư với 03 chức năng chính: báo động, xác thực và dự đoán.
- Công cụ báo động: PTKT cảnh báo sự phá vỡ các ngưỡng an toàn gồm hỗ trợ & kháng cự và thiết lập nên các ngưỡng an toàn mới hay nói cách khác là thiết lập mức giá mới thực sự thay vì dao động quanh một mức giá cũ. Đối với trader, việc nhận biết các dấu hiệu về sự thay đổi mức giá càng sớm sẽ giúp cho họ sớm có hành động mua vào hoặc bán ra kịp thời.
- Công cụ xác nhận: Mỗi phương pháp PTKT được sử dụng kết hợp với các PTKT khác hoặc các phương pháp PTCB để đánh giá về xu thế của giá chứng khoán. Việc kết hợp và bổ trợ lẫn nhau giữa các phương pháp kỹ thuật khác nhau giúp nhà đầu tư có được kết luận chính xác và tối ưu hơn.
- Công cụ dự đoán: Nhà đầu tư sử dụng các kết luận của PTKT để dự đoán giá tương lai với kỳ vọng về khả năng dự đoán tốt hơn.
5. Các trường phái và phương pháp Phân tích kỹ thuật
Có rất nhiều trường phái và phương pháp PTKT khác nhau, nhưng sau đây là những trường phái, phương pháp thông dụng nhất:
- Trường phái, phương pháp phân tích đồ thị nến Nhật (Candlestick Charting).
- Trường phái, phương pháp phân tích nguyên lý sóng Elliott (Elliott Wave Theory).
- Trường phái, phương pháp ứng dụng mô hình đảo chiều (Reversal) và mô hình tiếp tục (continues).
- Trường phái, phương pháp phân tích lý thuyết Dow (Dow Theory)
- Phương pháp ứng dụng xường xu hướng (Trendline Charting).
- Phương pháp ứng dụng dãy số fibonacci (Fibonacci Series).
- Phương pháp ứng dụng các hệ thống chỉ báo Phân tích kỹ thuật (Technical Indicator).
- Phương pháp ứng dụng điểm Pivot (Pivot Point).
- Phương pháp đầu tư CANSLIM của Ông William O’Neil
- Phương pháp phân tích của Wyckoff – Wyckoff Analysis