Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng do tác động của giá xăng dầu, giá gas, giá hàng hóa dịch vụ tăng…
Sức đẩy của giá xăng dầu lên chỉ số CPI
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 11/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,32% so với tháng trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số lạm phát cơ bản tháng 11/2021 cũng tăng 0,11% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước cũng tăng 0,58%.
Trong khi đó, so với cùng kỳ năm trước, tính chung 11 tháng của năm 2021, chỉ số CPI tăng 1,84%. Mức tăng này được đánh giá là thấp nhất kể từ năm 2016. So với cùng kỳ năm ngoái, bình quân 11 tháng năm 2021, chỉ số lạm phát cơ bản tăng 0,82%.
Lạm phát cơ bản là sự thay đổi trong chi phí của hàng hóa và dịch vụ, không bao gồm chi phí từ các ngành thực phẩm và năng lượng – ngành thường xuyên biến động về giá cả. Hiểu đơn giản, lạm phát cơ bản là tỉ lệ lạm phát phản ánh sự thay đổi mức giá mang tính chất lâu dài, loại bỏ thay đổi mang tính chất tạm thời.
Tháng 10/2021, chỉ số CPI giảm 0,25% so với tháng trước. Hai trong tổng số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính trong tháng 10/2021 chỉ số giá giảm và giảm mạnh khiến cho chỉ số CPI chung của tháng giảm. Ngoài ra, 5 nhóm mặt hàng tăng giá, 4 nhóm với chỉ số giá ổn định.
Trong khi tháng 11/2021, 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá so với tháng trước, chỉ có 2 nhóm giảm giá là giáo dục và hàng ăn, dịch vụ ăn uống.
Theo đó, nhóm giao thông tăng 3,11% – mức tăng cao nhất so với tháng trước, góp phần là CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm. Nguyên nhân xuất phát từ các đợt điều chỉnh giá xăng dầu.
Tiếp đến, tháng 11, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,46%, khiến CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm. Trong đó, do một số địa phương kết thúc hỗ trợ giá điện nên giá điện sinh hoạt tăng 1,04% so với tháng. Nhu cầu xây dựng tăng trở lại cùng với giá nguyên liệu đầu vào tăng đã đẩy giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,94%.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng trở lại trong bối cảnh “bình thường mới” cùng với chi phí vận chuyển tăng làm cho
So với tháng trước, nhóm đồ uống và thuốc lá của tháng 11/2021 tăng 0,33%. Bên cạnh đó, nhóm may mặc, giày dép, mũ nón tăng 0,25%; 0,19% là mức tăng của nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình. Trong khi nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,25%.
Nhóm bưu chính viễn thông, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch là các nhóm hàng mức giá trong tháng 11 tăng không đáng kể so với tháng trước.
Tháng 11: Đời sống nhân dân ổn định
Đời sống nhân dân trong tháng 11 nhìn chung ổn định do các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn tiếp tục được triển khai thực hiện. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo, tính đến ngày 23/11/2021, hơn 28 triệu đối tượng được hỗ trợ hơn 28,4 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Về tình hình dịch bệnh, Tại Việt Nam, số ca Covid-19 cộng đồng có xu hướng gia tăng trên cả nước. Chỉ có 3 tỉnh gồm Yên Bái, Lai Châu, Bắc Kạn không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày vừa qua. Tính đến sáng 28/11, trên cả nước có tổng 1.197.404 ca, trong đó 956.924 ca đã chữa khỏi và 24.692 ca tử vong.
Tình hình thiên tai xảy ra từ nửa cuối tháng 10 đến nửa cuối tháng 11. Mưa lớn, lũ… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất. Cụ thể, tháng 11 có 15 người chết, 16 người bị thương và thiệt hại ước tính là 1.187,4 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 93,7%.
Trong 11 tháng năm 2021, thiên tai bão lũ khiến 119 người chết và mất tích, 144 người bị thương. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính 3,6 tỷ đồng, giảm đến 90,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình tai nạn giao thông, cả nước xảy ra 10.111 vụ tia nạn giao thông trong tháng 11. Tính trung bình, mỗi ngày xảy ra khoảng 30 vụ tai nạn giao thông.
Cát Anh (T/h)