Điểm tin doanh nghiệp: TDH ghế nóng đã có chủ, Kim Tín huy động trái phiếu tín chấp, FCN tăng vốn lên 1574 tỷ – CTCP FECON (FCN – HoSE) thông báo hoàn tất việc chào bán 32 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng 100% tổng số cổ phiếu chào bán. Tổng số tiền huy động từ đợt chào bán là 416 tỷ đồng.
Lãnh đạo TCO ngồi ‘ghế nóng’ CEO của Thuduc House
Ông Đàm Mạnh Cường được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật Thuduc House từ 30/11. Doanh nghiệp cũng thay Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính và Kế toán trưởng.
Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House, TDH – HoSE) công bố quyết định HĐQT bổ nhiệm ông Đàm Mạnh Cường giữ chức danh Tổng giám đốc kiêm đại diện theo pháp l uật của công ty từ ngày 30/11.
Ngược lại, HĐQT miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc của ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng – người vừa bị bắt tạm giam để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Đàm Mạnh Cường đang còn nắm giữ vị trí quan trọng ở tổ chức khác như Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (HoSE: TCO), Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Bến Thành và Thành viên HĐQT của Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam.
Ông Cường có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và tài chính, từng công tác tại SCIC, Seaprodex, Viseri, VietinBank Capital, ORS…
Bên cạnh đó, HĐQT miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc với ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh và bổ nhiệm ông Lữ Minh Sơn chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính. Ông Sơn được bổ nhiệm vị trí Kế toán trưởng từ tháng 7 nên vị trí này được thay thế bởi bà Lê Thị Ngọc Cẩm.
Trước đó, hàng loạt nhân sự của Thuduc House bị Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam. Thuduc House đã đề cử ông Lê Chí Thủ Khoa – Phó Tổng giám đốc điều hành các công việc chung và giải quyết các công việc liên quan đến quyền và trách nhiệm của Tổng giám đốc cho đến khi có văn bản ủy quyền khác thay thế.
Ông Lê Chí Thủ Khoa sinh năm 1970, là thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và Marketing, vừa được bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc công ty từ 1/11. Ông Khoa là em ruột của ông Lê Chí Hiếu – Chủ tịch HĐQT.
Mặt khác, Thuduc House cũng khẳng định mọi hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường theo đúng kế hoạch. Đơn vị dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên tài khóa 2020 ngày 22/12 tới để thông qua nội dung quan trọng như kiện toàn nhân sự HĐQT và Ban điều hành, định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo, tăng vốn điều lệ…
Thành viên Kim Tín Group huy động 500 tỷ đồng trái phiếu không tài sản đảm bảo
Kim Tín MDF cho biết nguồn tiền huy động được dùng để thực hiện dự án MDF Chơn Thành.
Ngày 30/8/2021, CTCP Kim Tín MDF đã huy động thành công 500 tỷ đồng trái phiếu KTMCH2125001. Lô trái phiếu có kỳ hạn 4 năm, lãi suất cố định ở mức 9,5%/năm và không có tài sản bảo đảm.
Trái chủ là một nhà đầu tư tổ chức không được xác định danh tính. Bên thu xếp phát hành trái phiếu là CTCP Chứng khoán SSI – chi nhánh Hà Nội.
Kim Tín MDF cho biết nguồn tiền thu về dự kiến được sử dụng để thực hiện dự án MDF Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).
Kim Tín MDF được thành lập năm 2007, địa chỉ trụ sở chính tại đường Tôn Đức Thắng, khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước). Tính đến tháng 6/2020, vốn điều lệ công ty đạt 564,59 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông gồm các cá nhân Trịnh Thị Xuân (27,203%), Phạm Tiến Thuận (6,903%), Trần Thị Kim Quy (12,126%), Nguyễn Bình Giang (1,534%). Trong đó, cổ đông Phạm Tiến Thuật (SN 1956) cũng đồng thời là Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật công ty.
Đáng chú ý, 3 cổ đông Trịnh Thị Xuân, Trần Thị Kim Quy, Nguyễn Bình Giang đều là các cổ đông sáng lập CTCP Đầu tư Kim Tín – hạt nhân cốt lõi của hệ sinh thái Kim Tín Group.
Hé mở về Kim Tín Group
CTCP Đầu tư Kim Tín (tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Kim Tín) được thành lập vào năm 2000, với tham vọng phát triển sản phẩm vật liệu hàn mang thương hiệu Việt.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, tính đến tháng 11/2017, cơ cấu cổ đông Đầu tư Kim Tín gồm: Ông Nguyễn Tiến Hải (36,4%) cùng 2 người nhà là bà Trịnh Thị Xuân (20,5%), bà Nguyễn Thị Xuân Mai (1,27%); ông Trịnh Hữu Đại (37,8%) và ông Nguyễn Bình Giang (4%).
Trong đó, ông Nguyễn Tiến Hải (SN 1972) đồng thời là Người đại diện theo pháp luật, kiêm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty. Theo tìm hiểu, ông Hải có trình độ chuyên môn Trung cấp chuyên ngành Thuế. Trước khi bén duyên thành lập Kim Tín, ông có thời gian làm nhân viên kinh doanh Công ty TNHH Thương mại Hải Đăng (từ tháng 7/1994).
Trở lại với Kim Tín Group, trải qua hơn 2 thập niên hình thành và phát triển, từ xuất phát điểm là một đơn vị kinh doanh thương mại, Kim Tín đã trở thành tập đoàn đa ngành, hoạt động ở các lĩnh vực: Vật liệu hàn, kim loại màu, ván MDF, sản phẩm sau MDF, khai thác khoáng sản và dịch vụ logistics, bất động sản.
Điều này phần nào được thể hiện qua sự thành lập của CTCP Kim Tín (2006) và CTCP Tập đoàn Kim Tín (2005). Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng cái tên CTCP Tập đoàn Kim Tín lại thường được đề cập nhiều hơn trên các mặt báo đại diện cho nhóm Kim Tín Group.
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, vốn điều lệ Tập đoàn Kim Tín tính đến tháng 6/2021 đạt 809,9 tỷ đồng, trong đó quỹ đến từ Singapore là Viac (NO.1) Limited Partnership nắm 20% vốn.
Với xuất phát điểm ở lĩnh vực hàn, không ngạc nhiên khi nhóm Kim Tín Group sở hữu nhiều nhà máy quy mô lớn, như: Nhà máy vật liệu hàn tại tỉnh Hưng Yên với công suất 20.000 tấn/năm; cụm công nghiệp các nhà máy vật liệu hàn, thiết bị tại Long An với diện tích 120.000 m2, tổng công suất của nhà máy Long An đạt 80.000 tấn/năm…
Bên cạnh đó, nhóm Kim Tín Group còn mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ván MDF, với Nhà máy Kim Tín MDF và FSC Việt Nam công suất 500.000 m3/năm, chiếm 20% thị phần ván MDF. Hay, phải kể đến dự án nhà máy MDF Chơn Thành được đề cập ở phần đầu bài viết có công suất 500.000 m3/năm với tổng diện tích xây dựng 331.281,02 m2, tổng đầu tư 150 triệu USD…
Chưa dừng lại ở đó, tập đoàn còn thành lập CTCP Logistics nPL (năm 2015) với mục tiêu tự chủ trong hệ thống phân phối. Đơn vị này gây ấn tượng khi sở hữu hệ thống kho bãi trải dài khắp Việt Nam với tổng diện tích 1,5 triệu m3.
Nhóm Kim Tín Group cũng sở hữu một số dự án bất động sản. Cụ thể, thông qua CTCP Biển Phú Yên (với cổ đông lớn nắm 60% vốn là ông Nguyễn Bình Giang), nhóm này sở hữu dự án Sala Complex tọa lạc tại số 77 – 79 đường Nguyễn Du, TP. Tuy Hoà. Dự án có tổng diện tích 16.500 m2, được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020.
Hay, phải kể đến dự án Tòa nhà văn phòng Kim Tín tọa lạc tại đường Võ Văn Kiệt, Quận 1, TP. HCM.
Ngoài các lĩnh vực kể trên, nhóm Kim Tín Group còn mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo khi sở hữu các CTCP Năng lượng Xanh Kim Tín được đánh số từ 1 đến 6.
Đáng chú ý, ít ai biết doanh nhân Nguyễn Tiến Hải còn có tham vọng ở lĩnh vực dược phẩm. Theo đó, vào ngày 20/4/2019, ông được bầu làm Thành viên HĐQT CTCP Dược Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD – HoSE).
Tính đến tháng 7/2021, bà Trịnh Thị Xuân (vợ ông Hải) và bà Nguyễn Thị Thủy (chị ruột ông Hải) lần lượt sở hữu gần 2,8 triệu cổ phiếu DBD (tỷ lệ 4,86%) và 4,03 triệu cổ phiếu DBD (tỷ lệ 4,03%).
FECON phát hành thành công 32 triệu cp riêng lẻ, tăng vốn điều lệ lên 1,574 tỷ đồng
CTCP FECON (FCN – HoSE) thông báo hoàn tất việc chào bán 32 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng 100% tổng số cổ phiếu chào bán. Tổng số tiền huy động từ đợt chào bán là 416 tỷ đồng.
Trong đó, Quỹ đầu tư hạ tầng Red One (nhà đầu tư trong nước) mua 16 triệu cổ phiếu, số còn lại được bán cho Công ty CP Raito Kogyo (nhà đầu tư nước ngoài). Sau đợt chào bán, tỷ lệ cổ phiếu sở hữu của hai nhà đầu tư này lần lượt là 10.16% và 25.51%.
Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Hai nhà đầu tư này được xem là hai mảnh ghép hoàn hảo cho FECON thực hiện thành công chiến lược 2020-2025, trong khi Raito Kogyo là nhà đầu tư cùng ngành sở hữu các công nghệ hàng đầu Nhật Bản về nền móng, công trình ngầm và hạ tầng, thì Red One là mảnh ghép mạnh về tài chính sở hữu mạng lưới đối tác tài chính quốc tế hùng hậu.
Như vậy, với việc chào bán thành công 32 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của FECON tăng từ 1,254 tỷ đồng lên 1,574 tỷ đồng; tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành tăng từ 125.4 triệu lên 157.4 triệu đơn vị.
Theo đại diện FECON, mục đích phát hành thêm nhằm bổ sung nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực về vốn để kịp thời thực hiện các kế hoạch đầu tư kinh doanh đã đặt ra của Công ty. FECON có kế hoạch dùng 216 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và 200 tỷ để trả nợ các khoản vay nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Mới đây, FECON công bố trúng hàng loạt gói thầu trong tháng 10 và 11 với tổng giá trị hơn 740 tỷ đồng, nâng tổng doanh số ký hợp đồng tính đến hiện tại lên hơn 4,100 tỷ đồng (bao gồm các hợp đồng chuyển tiếp năm 2020).
Hai quý đầu năm, FECON liên tiếp ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm tăng 38.9% so với cùng kỳ năm 2020. Kết thúc quý 3, mặc dù chịu tác động bởi đợt giãn cách xã hội trên diện rộng, ảnh hưởng đến hoạt động thi công tại các dự án, FECON vẫn ghi nhận kết quả khả quan với doanh thu thuần 868 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 20 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, FECON ghi nhận 2,209 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tích cực nói trên đến từ sự đóng góp của các dự án điện gió FECON triển khai trong vai trò tổng thầu C.BoP như: Cụm trang trại điện gió B&T Quảng Bình (tổng giá trị trúng thầu 1,392 tỷ đồng), Điện gió Thái Hoà (tổng giá trị 276 tỷ đồng), Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng (tổng giá trị 440 tỷ đồng), Điện gió Trà Vinh V1.3 ( trị giá trên 400 tỷ đồng)…
Với kỳ vọng về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và cơ hội từ dòng vốn đầu tư công của Chính phủ để kích thích tăng trưởng kinh tế cũng như các dự án năng lượng tái tạo mà FECON sở hữu, trong vòng 5 tháng qua, cổ phiếu FCN ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ mức giá thấp nhất là 10,000 đồng (tính theo giá điều chỉnh) lên trên 21,000 đồng, tương ứng mức tăng hơn 100%. Tính đến 30/11, giá trị vốn hóa của FECON đạt hơn 3,300 tỷ đồng.
Giữa tháng 11/2021, FECON đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 3%. Thời gian thanh toán dự kiến vào 30/12/2021