Trong 10 tháng năm 2021, số lượng thịt nhập khẩu tăng gấp khoảng 40 lần so với số lượng thịt xuất khẩu.
Dữ liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến hết tháng 10, Việt Nam đã nhập khẩu 618.800 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,19 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng 2% về lượng và tăng 16,2% về trị giá. Trong đó, 5 thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm thịt lớn nhất cho Việt Nam chính là Mỹ, Nga, Brazil, Ấn Độ, Đức.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu thì, về xuất khẩu, Việt Nam xuất được 15.310 tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 60,12 triệu USD. Nếu tính về trị giá, trong 10 tháng, nhập khẩu thịt cao khoảng gấp 20 lần so với xuất khẩu. Nếu tính về lượng, trong 10 tháng năm 2021, lượng thịt nhập khẩu tăng cao gấp khoảng 40 lần lượng thịt xuất khẩu.
Trong 10 tháng, riêng thịt heo lạnh hoặc đông lạnh nhập khẩu về Việt Nam đạt 135.450 tấn, trị giá 312,84 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 27,7% về lượng và tăng gần 23% về trị giá. Được biết, 5 thị trường Việt Nam đang nhập khẩu thịt đông lạnh gồm: Nga (40%), Brazil (15,7%), Đức (12,4%), Canada (10,6%), Ba Lan (4,6%).
Trong khi đó, đối với xuất khẩu, Việt Nam đang xuất khẩu thịt cũng như các sản phẩm từ thịt sang 14 thị trường. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thịt lớn nhất từ Việt Nam.
Trong tháng 10, hơn 2.000 tấn sản phẩm từ thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, trị giá 7,52 triệu USD. So với tháng 9, tăng 61,2% về lượng và tăng 5,2% về trị giá. Tính lũy kế 10 tháng của năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 2.990 tấn thịt và các sản phẩm thịt sang Trung Quốc với trị giá 5,14 triệu USD.
Cũng trong tháng này, các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu gồm thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ từ gia cầm, heo, động vật khác… tươi, lạnh hoặc đông lạnh với số lượng là 1.230 tấn, trị giá đạt 2,25 triệu USD. So với tháng 9, tăng 266,7% về lượng và tăng 243,1% về trị giá.
Trong đó, số lượng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm xuất sang thị trường Trung Quốc chiếm hơn 63% tổng số lượng xuất khẩu của cả nước. Theo đó, giá xuất khẩu tính bình quân đạt 7.252 USD/tấn, bị giảm 2,8% so với tháng trước.
Ngoài ra, Hồng Kông (Trung Quốc) và Lào cũng là thị trường xuất khẩu chủ yếu thịt lợn tươi, lạnh và đông lạnh của Việt Nam. Đặc biệt, thị trường Hồng Kông chiếm tới 89,2% tổng lượng thịt lợn xuất khẩu của cả nước.
Nhập khẩu không khiến thịt lợn trong nước rớt giá
Thời gian qua, trong nước, giá lợn hơi liên tục ở mức 40.000 đồng/kg. Nhiều ý kiến trước đó cho rằng, một phần nguyên nhân khiến giá lợn hơi lao dốc là bởi việc nhập khẩu thịt lợn ồ ạt về Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước thì thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vị này cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do cung cầu thị trường.
Hai ngày gần đây, thị trường thịt lợn trong nước có dấu hiệu đi lên quanh mức 43.000-50.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá thịt lợn đảo chiều được cho là do sức mua để chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trên thực tế, giá bán lẻ thịt lợn vẫn cao, thậm chí còn cao hơn cả giá của hàng nhập khẩu.
Cát Anh (T/h)