Trái phiếu là cụm từ chúng ta được nghe rất nhiều trong lĩnh vực kinh tế – tài chính. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu định nghĩa trái phiếu là gì hay phân loại trái phiếu như thế nào.
1. Khái niệm trái phiếu là gì? Đặc điểm của trái phiếu
Thực tế trái phiếu được hiểu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (được hiểu là mệnh giá của trái phiếu), trong thời gian xác định và khoản lợi tức trả theo quy định.
Trái phiếu có 5 đặc điểm cần chú ý:
- Thứ nhất: Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty Cổ phần, Bộ Tài chính; ngân hàng chính sách của Nhà nước; tổ chức tài chính, tín dụng thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ hay doanh nghiệp đều có thể là chủ thể phát hành trái phiếu.
- Thứ hai: Người mua trái phiếu có thể là doanh nghiệp, cá nhân, Chính phủ. Tên người mua trái phiếu có thể ghi trên trái phiếu hoặc không ghi.
- Thứ ba: Người sở hữu trái phiếu cho nhà phát hành vay. Những người này không phải chịu trách nhiệm nào về việc người vay sử dụng vốn vay cho ra kết quả như thế nào. Bởi vậy, nhà phát hành phải thanh toán các cam kết nợ theo hợp đồng vay.
- Thứ tư: Tiền lãi chính là nguồn thu từ trái phiếu. Khoản thu này cố định, thường kỳ và không phụ thuộc vào việc kinh doanh cho kết quả ra sao.
- Thứ năm: Trái phiếu giống như một loại chứng khoán nợ. Doanh nghiệp dù phá sản hoặc giải thể vẫn phải ưu tiên thanh toán cho người sở hữu trái phiếu.
2. Các cách phân loại trái phiếu
Dựa vào 5 đặc điểm khác nhau như lợi tức, tính chất trái phiếu, mức độ đảm bảo thanh toán, chủ thể phát hành, hình thức… có thể phân loại trái phiếu thành 5 loại.
2.1 Theo chủ thể phát hành
Theo chủ thể phát hành, trái phiếu được chia thành trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ, cụ thể:
+ Trái phiếu doanh nghiệp: Do công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam phát hành với mục đích tăng vốn hoạt động. Trái phiếu doanh nghiệp có kỳ hạn từ 1 năm trở lên.
Trái phiếu doanh nghiệp chia thành: Trái phiếu doanh nghiệp xanh; Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; Trái phiếu chuyển đổi; Trái phiếu kèm theo chứng quyền, Trái phiếu có bảo đảm.
+ Trái phiếu Chính phủ: Do Bộ Tài chính phát hành, mục đích để huy động vốn cho ngân sách Nhà nước hoặc các chương trình, dự án đầu tư do Nhà nước đầu tư. Trái phiếu chính phủ được đánh giá là loại chứng khoán ít rủi ro nhất.
2.2 Theo lãi suất:
Theo lợi tức, trái phiếu được chia thành 3 loại:
– Trái phiếu có lãi suất biến đổi hay còn gọi là lãi suất thả nổi: Đối với loại trái phiếu này, lợi tức trả trong các kỳ sẽ khác nhau.
– Trái phiếu lãi suất bằng không: Hiểu đơn giản là người mua trái phiếu này sẽ không nhận được lãi nhưng lại được mua với giá thấp hơn mệnh giá, sau đó, khi trái phiếu đáo hạn theo quy định thì được hoàn trả bằng mệnh giá.
– Trái phiếu lãi suất cố định: Theo đó, loại trái phiếu này, lợi tức sẽ xác định cố định bằng tỷ lệ phần trăm tính theo mệnh giá.
2.3 Theo mức độ đảm bảo thanh toán
Theo mức độ đảm bảo thanh toán của người phát hành, trái phiếu được phân thành trái phiếu bảo đảm và không bảo đảm, trong đó:
– Trái phiếu bảo đảm: Người phát hành sử dụng một tài sản có giá trị làm vật bảo đảm cho việc phát hành. Trong trường hợp mất khả năng thanh toán, trái chủ có thể thu, bán tài sản đó nhằm thu hồi số tiền người phát hành vẫn còn nợ.
– Trái phiếu không bảo đảm được phát hành nhưng không có tài sản làm vật đảm bảo. Thay vào đó, nó được bảo đảm bằng uy tín của người phát hành trái phiếu.
2.4 Theo hình thức trái phiếu
Theo hình thức trái phiếu, trái phiếu được chia thành trái phiếu ghi danh (ghi tên người mua trên trái phiếu); trái phiếu vô danh (không ghi tên người mua).
2.5 Theo tính chất trái phiếu
Theo tính chất trái phiếu, trái phiếu có quyền mua cổ phiếu, trái phiếu có thể mua lại và trái phiếu có thể chuyển đổi. Cụ thể:
– Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu có kèm với phiếu, trong đó trái chủ được phép mua cổ phiếu của công ty theo số lượng nhất định.
– Trái phiếu có thể mua lại: Trước khi trái phiếu đến hạn thanh toán, nhà phát hành được phép mua lại 1 hoặc toàn bộ trái phiếu.
– Trái phiếu có thể chuyển đổi: Là loại trái phiếu của công ty cổ phần. Theo đó, trái chủ được quyền chuyển sang cổ phiếu của công ty này.
3. Trái phiếu và cổ phiếu khác nhau thế nào?
Chủ thể phát hành trái phiếu theo quy định tại Điều 2 Nghị định 01/2011 là Bộ Tài chính, doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của nhà nước và tổ chức tài chính, tín dụng thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ. Còn theo quy định Điều 2 Nghị định 163/2018, chủ thể phát hành của trái phiếu có thể là Công ty cổ phần, Công ty TNHH. Trong khi, chủ thể phát hành cổ phiếu là các công ty cổ phần.
Người sở hữu trái phiếu được trả lãi định kỳ với lãi suất ổn định, là chủ nợ của công ty. Người sở hữu cổ phiếu trở thành cổ đông của công ty và nắm giữ những quyền khác nhau. Thông thường, cổ đông được chia cổ tức – loại lợi nhuận không ổn định, phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.
Ngoài ra, có cổ đông được tham gia quản lý, điều hành hoạt động công ty hay tham gia biểu quyết liên quan đến các vấn đề của công ty (Trừ cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại).
Về thời gian sở hữu, trái phiếu sẽ được ghi cụ thể trong trái phiếu nhưng cổ phiếu thì không có thời hạn cụ thể.
Khi công ty phá sản hoặc giải thể, trái phiếu sẽ được ưu tiên thanh toán trước cổ phiếu. Trong khi đó, với cổ phiếu thì phần vốn góp của cổ đông được thanh toán sau cùng, sau khi thanh toán hết các nghĩa vụ khác.
Cát Anh (T/h)