Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại London (Anh) dự báo GDP toàn cầu sẽ vượt mốc 100.000 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2022, sớm hơn hai năm so với dự báo trước đó bất chấp tình hình đại dịch.
GDP toàn cầu tiến đến cột mốc mới trong năm sau
Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), đến năm 2022, kinh tế thế giới sẽ lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn tỷ USD, tức là sớm hơn 2 năm so với những dự báo trước đó. Vào năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước đó, theo báo cáo của công ty tư vấn quản lý McKinsey & Co, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia có giá trị tài sản ròng lớn nhất thế giới, với tổng giá trị tài sản ròng năm 2020 đạt 120.000 tỷ USD.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại London cho biết rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ được hỗ trợ bởi quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19 nhưng nếu lạm phát tiếp tục, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tìm mọi cách để khiến cứu kinh tế khỏi suy thoái trở lại.
Theo trang web chính thức của CEBR, nhóm nghiên cứu đã công bố bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu hàng năm kể từ năm 2009, sử dụng tỷ giá hối đoái hiện tại của đô la Mỹ để tính GDP hiện tại của 190 nền kinh tế trên thế giới và dự đoán GDP và lạm phát của mỗi quốc gia trong 15 năm tới.
Báo cáo vẫn duy trì quan điểm từ năm ngoái và tin rằng thế giới sẽ vượt qua đại dịch Covid-19 nhanh hơn. Do đó, các quốc gia có thể giảm bớt các hạn chế đối với các hoạt động kinh tế, và tác động tiêu cực của dịch đối với nền kinh tế sẽ ít hơn so với trước đây. Báo cáo dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,5% vào năm 2021, cao hơn một chút so với mức tăng trưởng 5,3% của năm ngoái.
Báo cáo lạc quan về xu hướng tăng trưởng kinh tế năm 2022, và nâng tốc độ tăng trưởng đáng kể từ 3,4% một năm trước lên 4,2%. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng lạm phát và các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể cản trở kết quả hoạt động trong tương lai của nền kinh tế toàn cầu.
Phó Chủ tịch CEBR Douglas McWilliams nói rằng vấn đề quan trọng nhất đối với những năm 2020 là cách nền kinh tế thế giới ứng phó với lạm phát. Nếu không thể kiểm soát lạm phát, các nhà đầu tư cần chuẩn bị cho cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023 hoặc 2024. Ông McWilliams nhấn mạnh cần “điều chỉnh một chút” để kiểm soát các yếu tố phi nhất thời.
Về phía quốc gia, CEBR dự đoán rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo đồng đô la vào năm 2030. Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua Pháp vào năm tới và vượt qua Anh vào năm 2023 để trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới; nền kinh tế Đức dự kiến sẽ vượt qua Nhật Bản vào năm 2033. Bất chấp Brexit, nền kinh tế Anh được dự báo sẽ lớn hơn 16% so với Pháp vào năm 2036.
Nga có thể trở thành nền kinh tế Top 10 vào năm 2036 và Indonesia đang trên đà giành vị trí thứ 9 vào năm 2034.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, tổ chức này dự đoán rằng khi các công ty chuyển chi phí đầu tư giảm thiểu cacbon, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng trung bình khoảng 2 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2036.