Thị trường chứng khoán năm 2021 ghi nhận nhiều giao dịch mua bán cổ phiếu ấn tượng, trong đó có những pha gom hàng mạnh tay từ những lãnh đạo doanh nghiệp nhưng cũng có không ít những động thái xả hàng liên tục đã diễn ra.
1. “Tất tay” gom cổ
1.1 TGĐ GEX liên tục tăng tỷ lệ sở hữu trong khi công ty mạnh tay gom VGC
Ấn tượng nhất nhóm tổ chức gom hàng trong năm 2021 là CTCP Hạ tầng Gelex với giao dịch liên quan đến cổ phiếu Tổng Công ty Viglacera – CTCP (HOSE: VGC).
Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex, HOSE: GEX) đã mua thành công 18.6 triệu cp VGC trong khoảng thời gian 08/03 – 06/04/2021, nhằm nâng sở hữu tại VGC của cả nhóm liên quan từ 46.07% (207 triệu cp) lên 50.2% (225 triệu cp), số tiền mà GEX đã chi ra để thâu tóm VGC ước tính gần 640 tỷ đồng.
CTCP Hạ tầng Gelex sau đó đã được GEX và CTCP Thiết bị điện Gelex chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp bằng tài sản là cổ phiếu VGC, nắm giữ tổng cộng hơn 50% vốn tại VGC (hơn 225 triệu cp).
Về phía cá nhân, lãnh đạo mua nhiều nhất trong năm 2021 là ông Nguyễn Văn Tuấn – Thành viên HĐQT kiêm TGĐ GEX với 4 lần liên tiếp gom gần 120 triệu cp GEX từ 28/05-12/11/2021, nâng sở hữu tại GEX từ 11.57% (hơn 56.5 triệu cp) lên 22.58% (hơn 176 triệu cp). Ước tính Tổng số tiền mà vị TGĐ này chi ra khoảng hơn 3,300 tỷ đồng.
Trong năm 2020, ông Tuấn cũng là đại diện lãnh đạo đứng đầu trong nhóm mua cổ phiếu nhiều nhất năm với 55 triệu cp ( đầu năm 2020, vị CEO 8x này không nắm giữ cổ phiếu GEX nào.)
Giao dịch của ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng Giám đốc GEX trong năm 2021 |
1.2 IPA sang tay VND
Từ ngày 16-25/06/2021, CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (UPCoM: IPA) đã mua thành công hơn 56 triệu cp VND của CTCP Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND), chính thức trở thành cổ đông lớn tại VND với tỷ lệ sở hữu 26.19% (trước đó, đơn vị này sở hữu gián tiếp 56 triệu cp VND thông qua Công ty TNHH Một thành viên Tài chính IPA). Được biết, ông Vũ Hiền – Ủy viên HĐQT VND hiện đang là Chủ tịch tại IPA.
Cùng thời gian, Công ty TNHH Một thành viên Tài chính IPA – công ty con của Tập đoàn Đầu tư I.P.A – đã bán ra đúng bằng lượng cổ phiếu mà Tập đoàn Đầu tư I.P.A gom vào, mục đích là chuyển quyền sở hữu cổ phiếu do sáp nhập doanh nghiệp, nhiều khả năng đây chính là thương vụ sang tay cổ phiếu VND từ công ty con sang công ty mẹ IPA.
1.3 Eneos Corporation gom cổ phiếu PLX
Tập đoàn Nhật Bản Eneos Corporation cũng đã hoàn thành gom 52.7 triệu cp PLX của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX), nâng sở hữu tại PLX từ 1.01% lên 5.08%, trở thành cổ đông lớn của PLX. Với 3 lần giao dịch kéo dài từ 01/03-03/09/2021, tổng giá trị thương vụ ước đạt đạt gần 3,000 tỷ đồng.
Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam – công ty con của ENEOS cũng đang nắm giữ 103 triệu cổ phiếu PLX, nhóm cổ đông Nhật Bản này đang sở hữu tổng cộng 13.08% vốn tại PLX.
Được biết, ông Toshiya Nakahara – lãnh đạo cấp cao của ENEOS Corporation đang đồng thời là Thành viên HĐQT của PLX, nhưng ông hiện không nắm bất kỳ cổ phần nào của Công ty.
Top 20 giao dịch mua của lãnh đạo và người liên quan năm 2021
Đọc thêm: Năm 2021: Chứng khoán bình thường hay bất thường? 10 sự kiện chứng khoán nổi bật 2021
2. Mạnh tay “xả hàng”
2.1 HAG thoát hàng HNG
Quyết liệt trong cơ cấu nợ, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) liên tiếp “thoát hàng” tại CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG). HAG hiện chỉ còn sở hữu 16.07% vốn tại HNG (hơn 178 triệu cp) sau 4 lần giao dịch thành công. Đầu năm, đơn vị nắm giữ gần 41% vốn tại HNG (453 triệu cp).
Gần đây nhất, HAG đăng ký bán ra 51.5 triệu cp HNG từ ngày 07/07-05/08, song không bán ra bất kỳ cổ phiếu HNG nào do diễn biến thị trường không thuận lợi. Như vậy, HAG vẫn đang nắm trên 178 triệu cp HNG, tương ứng 16.07% vốn.
Diễn biến giá cổ phiếu HNG trong những lần HAG thoái vốn |
CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) quyết định dừng đầu tư sở hữu cổ phiếu HNG khi giá cổ phiếu liên tục giảm sau động thái thoát hàng của HAG. Tuy nhiên, vào 26/07, HNG cho biết sau khi thông báo dừng phát hành cổ phiếu, Công ty đã nhận được phản hồi tích cực từ các bên liên quan gồm ngân hàng BIDV, HAG và Thagrico, trong đó HAG cam kết dừng không bán tiếp cổ phiếu HNG.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của HAG, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HAG cho biết: “HNG không còn hợp nhất với HAG mà hợp nhất với Thaco. HAG vẫn giữ 178 triệu cổ phiếu ở HNG là khối tài sản lớn. Hoạt động kinh doanh đã tách bạch rõ ràng. HAG đi theo con đường riêng nhưng cũng là con đường nông nghiệp trước kia tôi đã chọn. Các vấn đề kinh doanh, đầu tư, con người giữa HAG và HNG đều đã tách bạch”.
2.2 Bitexco thoái vốn IDC
Một thương vụ lớn khác với giá trị hơn 2,000 tỷ đồng là giao dịch bán cổ phiếu IDC của Tổng Công ty IDICO – CTCP (HNX: IDC) đến từ Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco. Giữa tháng 6/2021, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco đã thoái toàn bộ 67.5 triệu cp IDC.
Trước đó, Tập đoàn này được xác định là cổ đông chiến lược của IDICO và bị hạn chế chuyển nhượng 10 năm (tính từ 01/03/2018) nhưng cổ đông này đã nhanh chóng đăng ký thoái sạch vốn sau khi ĐHĐCĐ thường niên 2021 của IDICO thông qua việc gỡ quy định về thời gian hạn chế chuyển nhượng.
Trong phiên 15/06, cổ phiếu này ghi nhận thỏa thuận gần 68 triệu cp với giá trị hơn 2,208 tỷ đồng trong khi khớp lệnh chỉ hơn 11 triệu cp. Do đó, khả năng cao Bitexco đã thoái vốn IDC theo phương thức thỏa thuận. Với giá thỏa thuận bình quân xấp xỉ 32,530 đồng/cp, ước tính Tập đoàn Bitexco có thể thu về hơn 2,195 tỷ đồng sau thương vụ.
Top 20 giao dịch bán của lãnh đạo và người liên quan năm 2021
Nguồn: Vietstock