Ngành bảo hiểm rất phát triển trên thế giới và ngày càng phát triển tại Việt Nam. Vậy hãy cùng Vimoney tìm hiểu bảo hiểm là gì? Những điều khách hàng cần biết khi tham gia bảo hiểm.
Bảo hiểm là gì?
Bảo hiểm là một loại hoạt động mà những người tham gia được hưởng các khoản trợ cấp bảo hiểm. Bằng việc đóng góp một khoản cho mình hoặc cho người thứ 3, trong trường hợp xảy ra rủi ro ngoài ý muốn, khách hàng sẽ được bảo hiểm hỗ trợ chi trả một phần nào đó. Khoản trợ cấp này do một tổ chức cụ thể thực hiện đền bù thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm theo chế độ cụ thể.
Hiện nay, bảo hiểm có 2 loại là bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện. Trong đó:
Bảo hiểm bắt buộc: Là bảo hiểm do Nhà nước quy định. Các cá nhân, tổ chức phải tham gia với mức phí, số tiền tối thiểu theo quy định.
Bảo hiểm tự nguyện: Cá nhân và tổ chức được quyền lựa chọn sản phẩm của các công ty bảo hiểm đó với mức phí và quyền lợi đa dạng.
Ngoài ra, bảo hiểm hiện nay còn phân theo loại hình nhà nước, thương mại; phân theo đối tượng…
Ý nghĩa của bảo hiểm
Bảo hiểm góp phần bảo vệ tài chính cho gia đình, trước những rủi ro tiềm ẩn trong cuộc sống như bệnh tật, ốm đau, tai nạn, thất nghiệp… Trụ cột gia đình nên có một hợp đồng bảo hiểm để nếu xảy ra rủi ro, nó có thể phần nào giúp gia đình vượt qua khó khăn.
Bảo hiểm giúp chuẩn bị nguồn vốn kinh doanh cho tương lai. Ngoài chức năng bảo vệ, bảo hiểm còn có chức năng tích lũy, tiết kiệm giúp tương lai bạn có một khoản tiền dự phòng.
Với gói bảo hiểm cho bản thân, cũng đồng nghĩa với việc bạn tạo một khoản tài chính cho hưu trí an nhàn để không phụ thuộc vào ai, chi tiêu thoải mái…
Vai trò của bảo hiểm
Những người tham gia bảo hiểm sẽ được chuyển giao rủi ro, dàn trải tổn thất trong trường hợp gặp khó khăn, hoạn nạn. Ngoài ra, bảo hiểm giúp khách hàng tiết kiệm tiền, an tâm hơn trong cuộc sống.
Bảo hiểm là nguồn đầu tư góp phần phát triển nền kinh tế và tạo thêm nhiều cơ hội công ăn việc làm. Ngoài bảo vệ bản thân người mua, khách hàng còn đóng 1 phần vào quỹ dự trữ tài chính tại các công ty bảo hiểm, bù đắp cho những người chịu cảnh mất mát, không may mắn.
Những thuật ngữ cần biết trong bảo hiểm
Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan này có chức năng thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và có trách nhiệm trong việc quản lý quỹ bảo hiểm xã hội theo các quy định được ban hành của pháp luật.
Quỹ bảo hiểm y tế
Đây là quỹ tài chính có được từ nguồn bảo hiểm y tế đã được đóng cùng nhiều nguồn thu hợp pháp khác nhau. Quỹ bảo hiểm y tế dùng để chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế; chi trả cho chi phí quản lý bộ máy tổ chức và những chi phí khác.
Quỹ bảo hiểm xã hội
Là quỹ tài chính độc lập với ngân sách của Nhà nước, do dự đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Tính từ khi người lao động bắt đầu đóng đến khi ngừng đóng. Nếu không đóng bảo hiểm xã hội liên tục, thời gian sẽ được tính là tổng thời gian đã đóng.
Doanh nghiệp bảo hiểm
Được thành lập, hoạt động và tổ chức theo quy định ban hành của bộ Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Đại lý bảo hiểm
Là các cá nhân hoặc tổ chức được các công ty/doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền để thực hiện các hoạt động theo quy định dành cho các đại lý của Luật kinh doanh bảo hiểm cũng như những quy định khác.
Bên mua bảo hiểm
Là cá nhân hoặc tổ chức giao kết hợp đồng bảo hiểm với các doanh nghiệp/công ty bảo hiểm, thực hiện việc đóng phí bảo hiểm theo quy định. Phía mua bảo hiểm có thể đồng thời là người được thụ hưởng hoặc người được bảo hiểm.
Người được bảo hiểm
Chỉ các cá nhân hoặc tổ chức nào đó có quyền công dân, trách nhiệm dân sự được hợp đồng bảo hiểm đã ký kết bảo vệ theo quy định và chế độ. Người được bảo hiểm có thể đồng thời là người thụ hưởng hợp đồng bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra.
Người thụ hưởng
Là người hoặc tổ chức được nhận tiền bảo hiểm, thừa hưởng sự bảo đảm, đền bù theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết trước đó.
Hợp đồng bảo hiểm
Là văn bản thỏa thuận giữa bên mua và doanh nghiệp/công ty bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm nhắc tới trách nhiệm và nghĩa vụ đền bù, bảo vệ của bên bán. Trong khi đó, bên mua phải thực hiện đóng góp chi phí theo hợp đồng.
Phí bảo hiểm
Khoản tiền bên mua phải đóng cho doanh nghiệp bán bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Số tiền bảo hiểm
Số tiền được doanh nghiệp/công ty bảo hiểm chấp thuận và ghi chi tiết trên hợp đồng bảo hiểm, quyền lợi được hưởng theo quy định của khách hàng sẽ thông qua đó.
Nguyên tắc cần ghi nhớ trong bảo hiểm
Trung thực tuyệt đối
Doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng đều phải trung thực. Hợp đồng bảo hiểm chỉ có giá trị pháp lý khi xác lập dựa trên cơ sở thông tin trung thực, độ tín nhiệm cao của các bên.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm
Quyền có thể được bảo hiểm được tạo lập cho một cá nhân hoặc một tổ chức nếu nhận được lợi ích kinh tế hợp pháp và không bị tổn hại khi đối tượng bảo hiểm chịu ảnh hưởng bất lợi của rủi ro không lường trước được.
Quyền lợi hình thành dựa trên quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản; quyền về nhân thân, quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng; quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng.
Nguyên tắc bồi thường
Trong mọi trường hợp, người được bảo hiểm có thể nhận được số tiền bồi thường sẽ không được lớn hơn thiệt hại của họ khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra nhằm ngăn ngừa trục lợi từ bảo hiểm.
Nguyên tắc thế quyền
Áp dụng cho các loại hình bảo hiểm tài sản và trách nhiệm dân sự. Sử dụng khi có bên thứ ba cần chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của đối tượng. Theo đó, các công ty và doanh nghiệp bảo hiểm sau khi hoàn tất bồi thường cho người được bảo hiểm, sẽ được phép thế quyền để đòi bên thứ ba bồi thường theo giới hạn đặt ra.
Nguyên tắc đóng góp bồi thường
Nhiều cá nhân, tổ chức tham gia nhiều bảo hiểm cùng lúc. Tuy nhiên, khi có sự kiện bảo hiểm diễn ra, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cùng đóng góp bồi thường, mức đóng góp không lớn hơn giá trị thiệt hại.
Nguyên tắc “Nguyên nhân gần”
Bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm chi trả khi kết quả và tổn thất của bạn được hình thành bởi một chuỗi sự kiện có liên quan đến nhau, thuộc phạm vi rủi ro cho phép của hợp đồng. Và không có sự can thiệp hay tác động của bất kì một nguồn nguyên nhân độc lập nào khác.
Ví dụ nếu bạn không may bị gãy chân, sau đó vào bệnh viện điều trị rồi vô tình mắc bệnh truyền nhiễm qua đời. Tuy nhiên, bạn sẽ không được chi trả cho phần sự cố qua đời vì bệnh truyền nhiễm. Bởi việc qua đời không phải là kết quả do gãy chân.
Cát Anh (T/h)