Nên chọn cổ phiếu tiềm năng nào cho tháng 1 là câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm khi điểm lại lịch sử giao dịch trên TTCK Việt Nam hàng chục năm gần đây, January Effect hay “hiệu ứng tháng Giêng” đã được thể hiện khá rõ nét. Theo thống kê của Agriseco, giai đoạn 2010 – 2021, VN-Index tháng 1 đã tăng điểm trong 8 trong số 12 năm với mức tăng trung bình 3,96% trong tháng.
Dựa trên những triển vọng khả quan của thị trường trong thời gian tới, công ty khuyến nghị nhà đầu tư duy trì nắm giữ danh mục, tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành thuộc các chủ đề đầu tư lớn trong năm 2022 như:
- Đầu tư công: cổ phiếu bất động sản, xây dựng và vật liệu;
- Ngành hưởng lợi từ sự mở cửa của nền kinh tế sau đại dịch: cổ phiếu khu công nghiệp, cổ phiếu dệt may, cổ phiếu thuỷ sản, cổ phiếu cảng biển; cổ phiếu ngân hàng.
Dưới đây, Agriseco cũng đã khuyến nghị Top 10 cổ phiếu tiềm năng cho tháng Giêng để bạn có thể tham khảo đưa vào danh mục theo dõi:
1. CTCP Tập đoàn CIENCO4 (mã C4G)
CIENCO4 là doanh nghiệp được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế 340.000 tỷ (trong đó phát triển cơ sở hạ tầng chiếm 32,8%). Doanh thu của Công ty được đảm bảo trong những năm tới với việc trúng hàng loạt gói thầu lớn như dự án cao tốc Bắc – Nam.
Là một trong số ít các doanh nghiệp đang niêm yết có khả năng thi công đường bay (với 4 dự án đã triển khai trong giai đoạn 2014-2019), C4G được kỳ vọng có thể trúng các gói thầu liên quan tới khu vực bay của sân bay Long Thành (tổng mức đầu tư gần 58.000 tỷ đồng) trong 1-2 năm tới.
2. CTCP FPT (mã FPT)
Là một Tập đoàn công nghệ đầu ngành, kết quả kinh doanh của FPT trong năm 2022 được dự phóng sẽ tăng trưởng mạnh nhờ chuyển đổi số toàn cầu và các hợp đồng ký mới ở các mảng kinh doanh, trong đó mảng công nghệ sẽ là mảng chủ lực đóng góp lớn cho doanh nghiệp.
3. Gemadept (mã GMD)
Số liệu xuất nhập khẩu trong quý 4 và cả năm 2021 của GMD vẫn duy trì được sự hồi phục tốt, giúp tạo động lực để công ty gia tăng sản lượng hàng hóa khai thác. Trong năm 2022, công ty có kế hoạch đầu tư mở rộng giai đoạn 2 của dự án cảng Nam Đình Vũ và Gemalink giai đoạn 2, qua đó nâng công suất lên hơn 1,4 triệu TEUs mỗi năm khi hoạt động hết công suất.
4. CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên (mã HT1)
Là đơn vị thành viên của TCT Xi măng Việt Nam, nắm giữ 30% thị phần phía Nam, HT1 được đánh giá sẽ được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công, đặc biệt với dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 được triển khai. Doanh nghiệp đã tích một lượng hàng tồn kho lớn trong quý 3 sau thời gian giãn cách giúp công ty gia tăng hưởng lợi từ sóng đầu tư công trong năm tới. Tính tới cuối quý 3/2021, giá trị hàng tồn kho của công ty đã tăng 40% so với mức trung bình các tháng.
5. CTCP Đầu Tư Thế Giới Di Động (mã MWG)
Động lực tăng trưởng doanh thu năm 2022 tập trung vào chuỗi Thế Giới Di Động – Điện Máy Xanh với việc chuyển đổi mô hình các cửa hàng hiện hữu đạt hiệu quả sang các cửa hàng có diện tích lớn hơn (và số hàng hoá nhiều hơn). Ngoài ra, các chuỗi cửa hàng mới (TopZone và hệ sinh thái Ava) sẽ là catalyst tăng giá của MWG trong trường hợp những chuỗi này đạt hiệu quả hoạt động tốt hơn kỳ vọng.
6. Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã POW)
Bên cạnh cơ cấu tài chính lành mạnh và dòng tiền ổn định, những dự án nhà máy nhiệt điện mới của POW như Nhà máy nhiệt điện NT3, Nhà máy nhiệt điện Cà Mau,… được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Mặt khác, POW là đơn vị đầu mối của Việt Nam khi thực hiện các dự án điện khí, đây cũng là một trong những tiềm năng lớn khi khu vực miền Bắc có nguy cơ thiếu điện trong các năm tới.
7. Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Dầu khí (mã PVD)
Các thông tin về kế hoạch kinh doanh của PVD năm 2022 khi được công bố sẽ là động lực tăng giá mới cho cổ phiếu. Cụ thể, lợi nhuận của công ty được kỳ vọng bắt đầu hồi phục từ quý 4/2021 và tăng mạnh trong 2022 nhờ: (1) giàn khoan PVD V (TAD) được tái hoạt động với hợp đồng dài hạn 10 năm tại Brunei trong tháng 11 vừa qua sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận, cùng (2) sự phục hồi của giàn khoan tự nâng JU.
8. CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG)
Bên cạnh mảng chủ lực là dệt may tiếp tục gia tăng công suất khi hàng loạt nhà máy được đi vào hoạt động, TNG còn được kỳ vọng mảng bất động sản và bất động sản khu công nghiệp tiềm năng với dự án cụm công nghiệp Sơn Cẩm bắt đầu cho thuê và có thể mang về doanh thu đột biến trong năm 2022. Đây là dự án nằm ở vị trí có hạ tầng giao thông thuận lợi, nằm gần cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, sân bay Nội Bài và nhiều khu công nghiệp khác.
9. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (mã TPB)
Với dư địa được NHNN nới room tín dụng cao nhất ngành trong quý cuối năm 2021 (23,4%), kết thúc quý 4/2021, tăng trưởng tín dụng của TPB đã trở lại mạnh mẽ. Ngân hàng sẽ tiếp tục được cấp room tín dụng cao trong năm 2022 nhờ hệ số an toàn vốn cao trong khi tỷ lệ dư nợ cho vay/tiền gửi vẫn còn nhiều dư địa.
10. Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã VCG)
VCG hưởng lợi từ đầu tư công khi phát triển song song 2 mảng bất động sản và xây dựng. Quỹ đất lớn (hơn 600ha) của công ty phù hợp để phát triển trong tương lai, đồng thời dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận trong thời gian tới sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, hợp nhất trở lại với VCR ( sở hữu dự án Cát bà Amatina).
Nguồn: Agriseco