Thời hạn mua đang tiến lại gần, liệu Nvidia có thành công mua lại ARM?
Gã khổng lồ chip của Mỹ Nvidia có kế hoạch mua lại công ty chip khổng lồ ARM với giá 40 tỷ USD từ tập đoàn SoftBank của Nhật Bản, tuy nhiên, thương vụ này diễn ra không hề suôn sẻ.
Theo kế hoạch ban đầu, SoftBank Group, Nvidia và ARM dự kiến hoàn thành thương vụ giao dịch trong vòng 18 tháng sau tháng 9/2020, tức là tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, thương vụ hiện đang bị giám sát bởi các cơ quan quản lý chống độc quyền ở các nước như Mỹ, Vương quốc Anh và Trung Quốc, những quốc gia này vốn lo ngại thỏa thuận này sẽ làm suy yếu sự cạnh tranh trên thị trường.
Alan Priestley, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Gartner và các nhà đầu tư khác cho rằng một hoặc nhiều cơ quan quản lý sẽ không để cho thương vụ này xảy ra tốt đẹp.
Tuy nhiên, Nvidia và ARM vẫn chưa bỏ cuộc.
Theo CNBC, một tài liệu 28 trang do Nvidia và ARM đệ trình lên Cơ quan Thị trường và Cạnh tranh Anh đã được phát hành vào thứ Hai(10/1). Theo đó, Nvidia và ARM nêu chi tiết trong hồ sơ lý do tại sao các cơ quan quản lý nên phê duyệt thỏa thuận. Các bên cho biết một số người chỉ trích thương vụ mua lại đã thổi phồng lịch sử huy hoàng của ARM, phớt lờ tình hình tài chính hiện tại của công ty và phóng đại sức mạnh thị trường của ARM.
ARM được coi là viên ngọc quý của ngành công nghiệp công nghệ Vương quốc Anh. Năm 1990, công ty tách khỏi công ty có tên Acorn Computers và chính thức hoạt động độc lập. Các thiết kế chip tiết kiệm năng lượng của công ty được sử dụng trong 95% điện thoại thông minh trên thế giới.
ARM được SoftBank mua lại vào năm 2016 với giá 24 tỷ bảng Anh (32 tỷ USD), cấp phép thiết kế chip của mình cho hơn 500 công ty sử dụng chúng để sản xuất chất bán dẫn của riêng họ.
Nvidia là nhà sản xuất GPU hàng đầu, Nvidia và AMD hiện đang cung cấp hầu hết các card đồ họa rời trên thị trường. Năm nay, Nvidia đã bước vào lĩnh vực lõi CPU, xây dựng ba bộ vi xử lý mới dựa trên công nghệ của ARM.
Không ít người phản đối thương vụ này. Lý do đưa ra là sự sáp nhập của Nvidia và ARM có thể làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường chip vốn đã khan hiếm hàng hóa, phí cấp phép sử dụng cao hơn, ít lựa chọn hơn và ảnh hưởng đến sự đổi mới trong ngành bán dẫn.
Đáp lại, Nvidia cho rằng thương vụ sáp nhập nãy sẽ mang đến nhiều đổi mới hơn và ARM sẽ nhận được nhiều khoản đầu tư để phát triển hơn. Những ý kiến phản đối còn cho rằng tập đoàn SoftBank nên để ARM là một công ty niêm yết độc lập trên thị trường thay vì bán nó cho Ndivia.
Tuy nhiên, SoftBank và Nvidia cho rằng mua lại là cách tốt nhất trong tất cả các phương pháp hiện tại và việc niêm yết sẽ gây áp lực lên hiệu suất của ARM, thu hẹp phạm vi trọng tâm kinh doanh và ảnh hưởng đến sự phát triển đầu tư trong tương lai.
Năm 2019, SoftBank Group từng cân nhắc niêm yết ARM một cách độc lập, nhưng sau đó họ đã quyết định từ bỏ vì thị trường vốn không thể mang lại lợi nhuận cho SoftBank Group. Mặc dù khách hàng của ARM bao gồm nhiều ông lớn trên thị trường, chẳng hạn như Apple, Qualcomm và Amazon, doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng trưởng đáng kể, định giá thị trường của ARM cũng tăng cao, nhưng ARM hiện đang phải đối mặt với các vấn đề như chi phí tăng và lợi nhuận giảm, điều này sẽ ảnh hưởng đến triển vọng niêm yết của công ty.