HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa bổ nhiệm ông Từ Tiến Phát làm tân Tổng giám đốc ACB từ ngày 14/1, nhiệm kỳ 2022-2025.
Tân Tổng giám đốc ACB từng có 25 năm làm việc tại Ngân hàng TMCP Á Châu
Tân Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM. Ông Phát làm việc ở Ngân hàng ACB bắt đầu từ năm 1996. Cho đến nay, ông đã có hơn 25 năm làm việc tại đây. Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng cũng như đạt được nhiều thành tựu trong công việc tại ngân hàng ACB.
Ở cương vị mới, ông Từ Tiến Phát sẽ cùng với đội ngũ lãnh đạo và nhân viên sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chiến lược đến 2025 mà Hội đồng quản trị của ACB đã phê duyệt.
Ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT ACB chia sẻ, trên hành trình phát triển của ngân hàng ACB từ lúc thành lập cho đến hiện tại, đội ngũ lãnh đạo tài năng luôn được đánh giá là yếu tố quan trọng nhất. Việc thay đổi thành viên ban điều hành là một quá trình xây dựng và phát triển nhân sự kế thừa đã được hoạch định trong dài hạn nhằm bảo đảm ngân hàng ACB phát triển bền vững và ổn định.
Được biết, người trước đó nắm giữ vị trí Tổng giám đốc ACB là ông Đỗ Minh Toàn. Ông Toàn sinh năm 1971, tốt nghiệp Cử nhân ngành Ngân hàng, Đại học Ngân hàng TP.HCM. Ngoài ra, ông còn có bằng cử nhân về Quản trị ngoại thương, Luật và Thạc sĩ Quản trị kinh Doanh tại Đại học Colombia Southern, Mỹ. Sau 3 nhiệm kỳ, ông thôi giữ chức Tổng Giám đốc ACB.
Ông Toàn làm việc tại ngân hàng ACB từ năm 1995. Năm 2012, ông được bổ nhiệm làm tổng giám đốc của ACB – thời điểm bầu Kiên bị bắt gây ra cuộc khủng hoảng với ngân hàng này. Ông Toàn cùng với Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy đã có đóng góp không nhỏ trong việc giúp ACB vượt qua khủng hoảng, giành lại vị thế top 4 ngân hàng TMCP tư nhân có lợi nhuận lớn nhất trên thị trường.
Hoạt động kinh doanh của ngân hàng ACB
Theo chia sẻ của ACB, ngân hàng này sẽ đầu tư, thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ trong toàn bộ hoạt động. Ngoài ra, ngân hàng này cũng sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, tập trung mũi nhọn vào ngân hàng số, bên cạnh đó vẫn giữ vững sự hoạt động hiệu quả của các ngân hàng truyền thống. Thêm nữa, ngân hàng cũng sẽ phân tích dữ liệu, nâng cao trải nghiệm đối với khách hàng, cũng như nâng cao năng lực quản trị rủi ro…
Mới đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) dự báo, năm 2022, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ACB năm đạt 11.700 tỷ đồng trước thuế, so với 2021 tăng 25%; ROE 2022 cũng được kỳ vọng ở mức 23%, cao hơn so với ROE trung vị ngành là 20%. Về tín dụng, tăng trưởng được dự báo ở mức 15%.
Được biết, năm 2021, ngân hàng ACB đặt mục tiêu lợi nhuận là lãi trước thuế đạt 10.602 tỷ đồng. Sau 9 tháng, ngân hàng đạt 8.968 tỷ đồng, thực hiện được 85% chỉ tiêu.
Cát Anh (T/h)