Biến động giá của Bitcoin và những đồng tiền mã hóa trong thời gian vừa qua chứng minh chúng không phải tài sản để lưu trữ giá trị như vàng mà chìm nổi song song với thị trường chứng khoán Mỹ.
Cho tới nay, Bitcoin có vẻ như giống với vàng, vốn cũng tăng lên theo thời gian dù trải qua một giai đoạn bong bóng và giảm mạnh vào đầu của thập niên hiện tại. Tuy nhiên, khuynh hướng giá hiện nay của Bitcoin cho thấy tiền số và thị trường chứng khoán Mỹ đã có cùng nhịp giảm.
Bitcoin – chứng khoán Mỹ – vàng?
Các nhà đầu tư đã đổ xô vào lĩnh vực tiền mã hóa với mục tiêu thu lợi nhuận khủng trong thời gian ngắn thay vì đầu tư vào các loại tài sản truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa, kim loại. Họ coi Bitcoin và giới tiền mã hóa là phương án phòng ngừa rủi ro chống lại lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, hai biểu đồ mô tả hiệu suất tương đối trong bối cảnh thị trường chứng khoán điều chỉnh gần đây của Koyfin cho thấy rằng Bitcoin có mối tương quan tích cực hơn với chứng khoán hơn một số người có thể nghĩ.
Đầu tiên, khi thị trường chứng khoán sụt giảm gần 20% trong quý IV năm 2018, Bitcoin cũng đã giảm tới 50%, trong khi giá vàng tăng gần 8%. Cục Dự trữ Liên bang trở nên diều hâu và lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại do thuế quan thương mại đã gây ra sự bất ổn của thị trường.
Trong lần thứ hai, khi đại dịch COVID-19 bùng bổ vào đầu năm 2020, Bitcoin một lần nữa giảm gần 50% trong khi chứng khoán Mỹ giảm tới 34%. Dù thị trường hỗn loạn và rủi ro, vàng một lần nữa chứng tỏ vị thế của nó như một tài sản trú ẩn an toàn với mức giá ổn định.
Gần đây, trong bối cảnh chỉ số S&P 500 giảm gần 7% kể từ đầu năm 2022, Bitcoin giảm 17% trong khi vàng đi ngang. Rõ ràng, Bitcoin không còn là hàng rào chống lại lạm phát, và thay vào đó nó là một tài sản có rủi ro dễ biến động, hoạt động tốt khi cổ phiếu tăng giá tốt và ngược lại.
Katie Stockton, người sáng lập và đối tác quản lý của Fairlead Strategies, một công ty nghiên cứu tập trung vào phân tích kỹ thuật cho biết, mối tương quan giữa Bitcoin và quỹ đầu tư tăng trưởng cao là khoảng 60% trong khi mối tương quan giữa Bitcoin và vàng chỉ khoảng 14%.
“Chúng tôi phân loại Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác là tài sản rủi ro hơn là nơi trú ẩn an toàn”, Katie Stockton cho biết.
Việc Fed có ý định rút các biện pháp kích thích khỏi thị trường đã ảnh hưởng mạnh đến các tài sản rủi ro trên toàn cầu. Bitcoin – đồng tiền số được coi là công cụ phòng trừ lạm phát khi các nước kích thích kinh tế – gần đây liên tục tạo đáy mới. Giá Bitcoin có lúc xuống dưới 36.000 USD một đồng – mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Nhìn lại có thể thấy, tiền điện tử đã lao dốc cùng với chứng khoán trong một khởi đầu khó khăn của năm 2022, khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ hơn mong đợi. Trong khi vàng, thường được xem là vật lưu trữ giá trị và hàng rào lạm phát, đã được giao dịch tăng đều đặn trong tháng này.
Vàng là hình thức tiền tệ sớm nhất trên thế giới, từ lâu đã được coi là một tài sản đáng tin cậy. Giá vàng, thường bằng đồng USD, biến động ngược với giá đồng tiền này. Vàng cũng được coi là một biện pháp tốt chống lại rủi ro lạm phát vì chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng cao có xu hướng làm xói mòn giá trị của đồng USD.