Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh của IPP Air Cargo được Cục Hàng không đánh giá là phù hợp với các quy định hiện hành.
Kiến nghị cấp phép kinh doanh cho IPP Air Cargo
Cục Hàng không mới đây đã kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo.
Đơn vị này đã có 2 lần thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty cổ phần IPP Air Cargo. Theo đó, Cục Hàng không đánh giá nó phù hợp với các quy định hiện hành.
Từ đó, Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét kết quả thẩm định hồ sơ, trình Chính phủ về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng bay này.
Ngoài ra, Bộ này đánh giá, thị trường hàng không của Việt Nam đang phục hồi từng bước. Trong đó có hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.
Trước đó, IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn được yêu cầu bổ sung thêm phần tài liệu còn thiếu vào hồ sơ. Trong đó, có phương án tăng vốn để bù đắp vốn thiếu hụt trong 3 năm đầu hoạt động do lợi nhuận âm, chứng minh IPP Air Cargo có 100% vốn Việt Nam…
Được biết, vốn tối thiểu của Công ty cổ phần IPP Air Cargo là 300 tỷ đồng. Về cơ cấu vốn, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đóng góp 70% là 210 tỷ đồng. Còn 30% còn lại do Công ty TNHH Thương mại Duy Anh, bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn), ông Nguyễn William Hiếu (con), mỗi bên góp 10%.
Để IPP Air Cargo cất cánh sau khi đã được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, hãng hàng không này còn cần có chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC – Aircraft Operator Certificate) cùng với các thủ tục liên quan khác.
Kế hoạch của IPP Air Cargo khi được cấp phép bay
Theo tìm hiểu, dự án hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo được ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin thành lập vào giữa năm ngoái. Nhưng thời điểm đó, ngành hàng không của Việt Nam vẫn đang trong cảnh khó khăn chồng chất khó khăn nên Cục Hàng không chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa.
Kế hoạch của IPP Air Cargo là trong năm đầu tiên sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Sau đó, đến năm thứ 5 sẽ tăng lên 10 chiếc. Theo dự kiến, hãng hàng không này khai thác các loại máy bay B737, B777 hoặc tương đương.
Ngoài ra, IPP Air Cargo cũng có kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa trong năm đầu tiên với doanh thu đạt 71 triệu USD. Theo dự kiến của doanh nghiệp, năm thứ 4, hoạt động kinh doanh sẽ có lãi.
Chủ tịch IPPG nói rằng đang cố gắng xúc tiến để tháng 6 tới đây có thể nhận chiếc máy bay Boeing chở hàng đầu tiên.
Nói về sự ra đời của IPP Air Cargo, ông Hạnh Nguyễn cho hay, nó sẽ góp phần sẽ cân bằng lại thương quyền bay cho ngành hàng không Việt Nam. Hiện tại, các hãng vận tải hàng không nước ngoài tại Việt Nam đang chiếm tới 88% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ông cho rằng, Hiệp định hàng không quy định, với một chuyến bay từ nước ngoài vào Việt Nam, chúng ta được quyền bay ngược lại 1 chuyến. Việt Nam lại chưa có hãng vận tải hàng hóa hàng không chuyên biệt nên thường bị thua thiệt trong mảng này.
Ông Hạnh Nguyễn khẳng định, nếu IPP Air Cargo ra đời, tỷ lệ chuyến bay sẽ được cân bằng ở con số 50/50. Số lượng chuyến bay sẽ tăng lên. Nhờ thế, các hãng nước ngoài được tăng gấp đôi số chuyến bay cũng như lượng hàng hoá.