Đây là đánh giá của tập đoàn kinh doanh nông sản hàng đầu thế giới Olam International về xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Ấn Độ chiếm lĩnh thị trường gạo toàn cầu
Theo Olam International, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm nay có thể đạt kỷ lục đến 22 triệu tấn, chiếm 45% tổng lượng gạo được xuất khẩu trên toàn cầu.
Con số trên tương đương tổng lượng gạo xuất khẩu dự kiến của Thái Lan, Việt Nam và Pakistan. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 đạt 48,5 triệu tấn.
Ông Nitin Gupta, Phó chủ tịch tập đoàn Olam tại Ấn Độ, cho biết việc tăng cường năng lực xử lý tại các cảng xuất khẩu gạo chính đã giúp Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu lượng gạo kỷ lục sang khu vực Châu Á và Châu Phi. Theo ông Nitin Gupta, xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ trong năm nay có thể tăng gấp đôi năm ngoái, lên 18 triệu tấn; trong khi đó, lượng xuất khẩu gạo basmati sẽ ổn định tại mức 4 triệu tấn.
Kể từ hồi tháng 3/2020, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã liên tục ở mức thấp hơn đáng kể so với giá gạo Việt Nam và Thái Lan, thậm chí có thể thấp đến hơn 100 USD/tấn nếu như các hãng xuất khẩu gạo nước này áp dụng các mức chiết khấu cao. Điều này đã giúp Ấn Độ mở rộng đáng kể thị phần và thâm nhập nhiều thị trường truyền thống của Việt Nam cũng như Thái Lan. Dữ liệu sơ bộ của Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy nước này đã xuất khẩu được 12,84 triệu tấn gạo trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh ưu thế về giá, nhằm giảm tình trạng tắc nghẽn tại cảng xuất khẩu gạo chính Kakinada Anchorage Port, bang Andhra Pradesh đã cho phép xuất khẩu gạo qua một cảng nước sâu cạnh đó từ tháng 2/2021. Điều này đã giúp đẩy nhanh đáng kể tiến độ xuất khẩu gạo của bang Andhra Pradesh – bang có sản lượng gạo lớn nhất Ấn Độ.
Tuy nhiên, tình trạng giá cước vận chuyển container trên toàn cầu tăng vọt đã buộc các hãng xuất khẩu gạo phải chuyển qua dùng các loại tàu chở hàng khô rời cũng đang khiến khu vực cảng Kakinada Anchorage Port trở nên tắc nghẽn. Bang Andhra Pradesh hiện lên kế hoạch nâng cấp hạ tầng cảng này nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian bốc dỡ gạo xuất khẩu xuống ngang bằng với các cảng khác tại khu vực Đông Nam Á.
Trong năm 2020, Ấn Độ xuất khẩu được 14,7 triệu tấn gạo, tăng 49% so với hồi năm 2019, chủ yếu nhờ xuất khẩu gạo non-basmati tăng mạnh 77%, lên mức cao kỷ lục 9,7 triệu tấn. Ấn Độ hiện là quốc gia có sản lượng gạo lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8/2021, cả nước xuất khẩu 440 nghìn tấn gạo, đem về 210 triệu USD. Lũy kế 8 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo đạt 3,93 triệu tấn, với kim ngạch 2,1 tỷ USD.
8 tháng qua, gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines, chiếm 36,4% trong tổng lượng và chiếm 35,3% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước; Trung Quốc đứng vị trí thứ 2, chiếm 18%; Bờ Biển Ngà đứng thứ 3, chiếm trên 7%. Xuất khẩu gạo sang Malaysia giảm rất mạnh, giảm 59,7% về lượng, giảm 50,5% về kim ngạch, khiến thị trường này chỉ chiếm gần 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta.
Về giá, sau chuỗi tăng giá gạo xuất khẩu vào đầu năm, thì trong tháng 7 và tháng 8, giá gạo xuất khẩu lao dốc mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 7/2021 chỉ ở mức 390 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tháng 8/2021 tiếp tục xu hướng giảm từ tháng trước đó, là bởi nhu cầu từ khách hàng nước ngoài chậm, cước phí vận chuyển cao, dịch Covid-19 tái bùng phát. Ngoài ra, việc giá gạo Thái Lan và Ấn Độ giảm cũng tác động đẩy giá gạo Việt Nam giảm theo.
Trong 2 tuần đầu tháng 9/2021, giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ vẫn ở mức từ 358-363 USD/tấn; giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan vẫn ở mức 280-402 USD/tấn (tùy loại). Riêng giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng từ 385 USD/tấn trong hai tuần trước lên 400 USD/tấn trong tuần này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mục tiêu năm 2021, sẽ xuất khẩu khoảng 6 – 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,325 tỷ USD. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, xuất khẩu gạo trong những tháng tới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khiến mục tiêu này không dễ đạt được.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, doanh nghiệp không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vì lo không giao được hàng. Giá cước vận tải đã lên rất cao, đặc biệt là khu vực châu Phi, trong khi tàu hàng vào cảng lâu, nhưng không thể đưa hàng lên tàu được. Điều này, khiến việc giải phóng lượng hàng trong kho của doanh nghiệp rất khó khăn.