Ấn Độ cho biết sẽ thận trọng trong việc đánh giá xem có nên ủng hộ áp trần giá dầu Nga hay không.
Ấn Độ sẽ xem xét thận trọng việc áp trần giá dầu Nga
Chia sẻ trên CNBC hôm 5/9 bên lề diễn đàn Gastech tại Italy, Shri Hardeep Singh Puri – Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ cho biết, đang diễn ra rất nhiều cuộc thảo luận khi mà có nhiều yếu tố ảnh hưởng.
Về câu hỏi, Ấn Độ liệu có tham gia kế hoạch áp trần giá dầu Nga của G7 hay không, vị này đưa ra nhận định, trước các ảnh hưởng của đại dịch và xung đột Nga – Ukraine, kinh tế toàn cầu vẫn đang điều chỉnh. Ông nói, sẽ thận trọng trong việc phân tích, xem xét đề xuất áp trần giá dầu Nga có ý nghĩa ra sao.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ nói, chưa rõ liệu nước nào hiện sẽ tham gia kế hoạch trên cũng như tác động của nó lên thị trường năng lượng ra sao. Trong khi trước đó, Bộ trưởng Tài chính các nước G7 ngày 2/9 đã đồng ý với kế hoạch áp trần giá dầu Nga xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng Nga cấp tiền cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, cùng với đó là bảo vệ người tiêu dùng trước việc giá năng lượng tăng vọt.
Nhưng tính thống nhất của đề xuất này đã bị giới phân tích nghi ngờ. Ngoài ra, họ cũng đưa ra cảnh báo về việc chính sách trên phản tác dụng, trong trường hợp Trung Quốc, Ấn Độ – những khách mua chủ chốt của dầu Nga không tham gia.
Ấn Độ đáp trả những chỉ trích về việc tăng mua dầu Nga
Sau xung đột tại Ukraine, Nga đã giảm giá dầu mạnh tay so với thế giới. Do đó, 2 nước trên đã tăng mua dầu Nga. Ông Puri thông tin, mỗi ngày Ấn Độ tiêu thụ khoảng 5 triệu thùng dầu. Trong đó, Iraq, Saudi Arabia, Kuwait và UAE tiêu thụ nhiều nhất.
Đáp trả các chỉ trích nói Ấn Độ tăng mua dầu Nga sau xung đột, vị này cho hay, hồi cuối tháng 3, dầu Nga chỉ chiếm khoảng 0,2% nhập khẩu dầu của Ấn Độ.
Ông Puri khẳng định, Ấn Độ mua dầu từ Nga, nhưng mua cả từ nước khác. Và, số dầu châu Âu mua một buổi chiều, bằng Ấn Độ mua cả quý.
Trả lời câu hỏi: Có xung đột về đạo đức khi mua dầu Nga trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine hay không? Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ khẳng định rằng, không có bất cứ xung đột nào cả.
“Tôi cũng có nghĩa vụ với người dân nước mình. Liệu có chính phủ nào có muốn để xảy ra tình trạng cạn kiệt xăng dầu hay không? Anh cứ nhìn các nước xung quanh Ấn Độ mà xem”, ông nói.
Liên minh châu Âu vẫn thường xuyên kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ tham gia kế hoạch giảm lợi nhuận từ bán dầu của Nga. Tuy nhiên, G7 sẽ thực hiện kế hoạch như thế nào vẫn chưa rõ. Có thể sẽ phải chờ đến sát tháng 12 mới biết, khi lệnh cấm nhập dầu Nga của EU có hiệu lực.
Còn trong một diễn biến mới nhất, hôm qua Nga cho biết về việc sẽ trả đũa, đồng thời ngừng bán dầu cho các nước tham gia kế hoạch này.