Sáng ngày 23/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình sản xuất tại Bắc Giang; chứng kiến quá trình hồi phục sản xuất tại nơi từng là tâm dịch Covid-19 tại địa bàn tỉnh này.
“Tâm dịch” của tâm dịch Bắc Giang
Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang, là công ty 100% vốn nước ngoài ( Nhật Bản- Hàn Quốc) chuyên sản xuất các mặt hàng trong lĩnh vực điện tử như linh kiện, bộ mạch điện tử…; bắt đầu hoạt động từ tháng 4 năm 2009
Vào thời gian cao điểm của dịch Covid-19, khoảng tháng 5,6/2021, Công ty Hosiden từng có hơn 1.400 ca nhiễm Covid-19, trong khi toàn tỉnh Bắc Giang chỉ có khoảng 5.000 ca nhiễm. Con số này cho thấy mức độ “tổn thương” mà công ty này từng phải gánh chịu. Gần 70% nhân lực của công ty phải cách ly tập trung hoặc phải điều trị tại bệnh viện; con số cụ thể là 1.406 lao động nhiễm COVID-19. Có thời điểm, tỉnh Bắc Giang chỉ đạo yêu cầu thực hiện cách ly tập trung đối với toàn bộ người lao động làm việc tại Hosiden với khoảng 6.000 người.
Tuy nhiên, thời điểm này, gần như mọi hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường. Đến nay số người lao động là F0 đã khỏi bệnh, quay trở lại làm việc là 1.103 người (bằng 78% so với tổng số F0). Lãnh đạo Công ty Hosiden cho biết, hiện công ty có 5.121 lao động, tổng số lao động đã tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19 đạt 91%, số lao động đã tiêm đủ 2 mũi đạt 60%.
Công ty đã thành lập 13 tổ COVID nội bộ, có phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, có trách nhiệm báo cáo và xử lý vấn đề hàng ngày. Tuyên truyền phòng, chống dịch loa bằng phát thanh vào các giờ giải lao, giờ ăn ca. Tại cổng công ty, có bố trí đo thân nhiệt toàn bộ người lao động, khách hàng đến giao dịch, làm việc.
Trong xưởng, đo thân nhiệt ngày 2 lần với mỗi lao động (Người có thân nhiệt từ 37,5 độ C trở lên được ghi tên theo dõi và cho ra khu cách ly để tổ COVID kiểm tra lại và xử lý theo chức năng được phân công).
Về tình hình thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19, Công ty Hosiden đã nộp hồ sơ giải quyết chế độ lần 1 cho trên 2.500 lao động với số tiền nhận được hỗ trợ là gần 11 tỷ đồng. Hiện công ty đang làm thủ tục đề nghị hỗ trợ lần 2 cho số lao động còn lại. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã hỗ trợ gần 4 tỷ đồng cho người lao động là F0, F1 làm việc tại công ty.
Đến hiện tại công ty đã khôi phục hoàn toàn sản xuất và tiếp tục trên đà phát triển đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại KCN và địa phương, lãnh đạo Công ty Hosiden khẳng định.
Phòng trọ miễn phí, hỗ trợ lương trong 2 tháng đầu
Một trong những vấn đề được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành hết sức quan tâm, đó là việc thu hút người lao động trở lại làm việc ra sao?
Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Hosiden cho biết, DN đã thông qua cán bộ công đoàn, đăng tải thông tin về tình hình hỗ trợ lao động như hỗ trợ lương thực; tình hình chống dịch tại nhà máy để các lao động đang ở khu nhà trợ, khu cách ly đều nắm được. Vì đa số lao động là ngoại tỉnh, nên khi có dịch nhiều người khó tìm thuê nhà trọ. Công đoàn cơ sở của công ty đã trích quỹ công đoàn hỗ trợ đoàn viên 3 tỷ đồng.
Hiện nay, chi phí phòng, chống dịch của công ty đang giảm dần qua từng tháng, chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng chi phí hoạt động. Công ty bám sát các hướng dẫn của ngành y tế để xét nghiệm cho công nhân như xét nghiệm định kỳ cho nhóm nguy cơ cao, mới tiêm 1 mũi vaccine…
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao sự phục hồi sản xuất của khu công nghiệp cũng như của Hosiden, doanh nghiệp từng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại Bắc Giang. Toàn tỉnh có khoảng 5.000 ca nhiễm thì Công ty Hosiden có hơn 1.000 ca.
Cho rằng đây là mô hình tốt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 2 điểm. Đó là doanh nghiệp là chủ thể trong quá trình phục hồi sản xuất cũng như bảo đảm an toàn dịch bệnh. Bởi chính doanh nghiệp chủ động, chịu trách nhiệm về lo chỗ ở cho công nhân, hỗ trợ người lao động, huy động lao động quay trở lại… Thứ hai là vai trò của chính quyền các cấp, đây là điểm tựa, là trung tâm trong hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp như hỗ trợ về y tế, đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh.
“Phục hồi sản xuất nhanh nhưng phải bảo đảm an toàn dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nêu rõ. Các doanh nghiệp phải kết nối chặt chẽ, thường xuyên với chính quyền địa phương trong thực hiện giải pháp phòng chống dịch. Các khu vực, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao (như khâu cung ứng vật tư, lái xe…) thì cần định kỳ xét nghiệm, chứ không chờ có biểu hiện ho, sốt.
Bắc Giang tăng trưởng trở lại
Không chỉ với công ty Hosiden, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng đang tăng tốc phục hồi sản xuất mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 của Bắc Giang tăng 21,2% so với cùng kỳ; cộng dồn 10 tháng tăng 10% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 ước đạt 32.975 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ; cộng dồn 10 tháng đạt 244.820 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ, bằng 71,9% kế hoạch.
Giá trị xuất nhập khẩu của Bắc Giang cũng nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 10 của Bắc Giang đạt 2,9 tỷ USD; cộng dồn 10 tháng đạt 23,8 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 11,5 tỷ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ (cao hơn 2,7% so với cả năm 2020), đạt 77,7% kế hoạch; giá trị nhập khẩu đạt 12,3 tỷ USD, tăng 49,5% cùng kỳ, đạt 92,3% kế hoạch.
Thu ngân sách của Bắc Giang hiện đã vượt dự toán, tổng thu ngân sách nội địa tháng 10 ước đạt 815 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ; 10 tháng đạt 10.465 tỷ đồng, tăng 48,1% so với cùng kỳ, vượt 17,1% dự toán. Có 11/16 khoản thu đã vượt dự toán năm, các khoản thu còn lại đều đạt trên 80% dự toán.
Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cũng được Bắc Giang đẩy mạnh. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bắc Giang đến nay đạt 8.750,5 tỷ đồng. Ước đến 31/10/2021, giá trị khối lượng thực hiện đạt 5.490 tỷ đồng, bằng 62,8%, giá trị giải ngân đạt 4.845 tỷ đồng, bằng 55,4% kế hoạch. Đã có 20/32 dự án khởi công mới năm 2021 đã khởi công; 12 dự án đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để khởi công tháng 11/2021.
Trong tháng 10, toàn tỉnh Bắc Giang đã thu hút được tổng vốn đầu tư quy đổi đạt 22,5 triệu USD, bằng 31,1% so với cùng kỳ; 10 tháng đạt 871,4 triệu USD, bằng 94,4% so với cùng kỳ.