Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam và Cục công nghiệp, Bộ Công Thương cùng khẳng định Nike không dịch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam
Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) và Cục công nghiệp, Bộ Công Thương cùng khẳng định thông tin tập đoàn Nike chuyển hoạt động sản xuất khỏi Việt Nam là không chính xác.
Nike chuyển một số đơn hàng mùa vụ này sang sản xuất tại các quốc gia khác
Theo Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), 88 trong tổng số 112 nhà máy sản xuất giày thể thao Nike tại Việt Nam đều nằm ở miền Đông Nam Bộ. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất. Hiệp hội này cho biết, Nike có chuyển một số đơn hàng mùa vụ này sang sản xuất tại các quốc gia khác, nhưng không dịch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam.
Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) Phan Thị Thanh Xuân cho biết: “Ở đây chỉ có sự dịch chuyển đơn hàng, còn các nhà máy sản xuất tại Việt Nam thì họ vẫn đang tiếp tục duy trì. Theo thông lệ, tháng 8 bước vào mùa vụ sản xuất để giao hàng cuối năm. Vừa qua, trong tháng 8 – 9, các doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất để phòng chống dịch. Việc này đã ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng cuối năm nên buộc các nhãn hàng, không chỉ Nike mà các nhãn hàng khác đã phải chuyển đơn hàng”.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thông tin Nike dịch chuyển sản xuất khỏi Việt Nam là không chính xác và đã được chính tập đoàn này xác nhận. Cục Công nghiệp cho biết thêm, thời điểm hiện tại, Nike cùng các nhãn hàng lớn đang chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm, mùa Noel. Doanh nghiệp Việt Nam hiện tại còn có thêm đơn hàng, cần tiếp tục duy trì sản xuất, giao hàng đúng hạn để đảm bảo hợp tác với các đối tác quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Ngô Khải Hoàn nhận định: “Dịch chuyển sản xuất hay dịch chuyển đầu tư đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhãn hàng lớn thì không đơn giản. Việc đặt cơ sở sản xuất tại quốc gia nào cũng cần phải có đánh giá thấu đáo về môi trường kinh tế, môi trường chính trị cũng như là những chính sách hỗ trợ của ngành. Trong thời gian tới, việc dịch chuyển sản xuất khỏi Việt Nam cũng không phải là cái lớn. Ngược lại, trong những báo cáo, thống kê gần đây, dòng vốn FDI tại Việt Nam cho thấy rằng họ sẽ tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam”.
Còn ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nói thêm, giai đoạn vừa qua, một số đơn hàng của Nike đến hạn phải trả nên để kịp giao hàng và đảm bảo đúng tiến độ, họ đã chuyển đơn hàng sang nhà máy ở một số quốc gia khác.
Theo ông Tuấn Anh, trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành mới đây, CEO của Nike cũng khẳng định sẽ không rời bỏ Việt Nam, không có chuyện chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang các quốc gia khác.
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam khiến 80% các nhà máy sản xuất da giầy tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… nơi tập trung nhiều doanh nghiệp da giầy lớn trong các khu công nghiệp phải ngừng sản xuất. Nguyên nhân là do các nhà máy này không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “Một cung đường, hai điểm đến”.
Tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp da giầy chỉ hoạt động với công suất 50-70 %, do giãn cách xã hội và thiếu lao động. Đối với các doanh nghiệp còn hoạt động buộc phải giảm sản lượng do phải giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách. Các doanh nghiệp này cũng chịu nhiều chi phí phát sinh do đứt gẫy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống Covid. Chưa kể, nhiều lao động bỏ về quê tránh lây lan dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do phong tỏa, giản cách xã hội.
Cát Anh (T/h)