Trong bối cảnh năng lực tài chính của các hãng hàng không bị bào mòn trong những làn sóng dịch Covid-19 gần đây thì câu chuyện về áp lực nguồn vốn của các hãng hàng không khi không có dòng tiền thu vào nhưng vẫn phải cõng các chi phí cố định rất lớn như là thuê mua tàu bay, bảo dưỡng, phí sân đỗ, chi phí lương cán bộ nhân viên,…đã được nhiều chuyên gia nhắc đến. Cùng tìm hiểu những khó khăn về vốn của hàng không Việt qua góc nhìn chuyên gia.
Thực trạng của các hãng hàng không
Dù nhiều đường bay vẫn đang trong tình trạng phải tạm dừng khai thác, nguồn doanh thu sụt giảm rất mạnh nhưng hiện nay các hãng bay vẫn phải chi hơn 100 tỷ đồng 1 ngày để duy trì hoạt động tối thiểu. Điều này dẫn đến sự suy yếu về năng lực tài chính thanh khoản đứng trước những rủi ro rất lớn không chỉ ở hiện tại mà được dự báo cả ở trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM, dưới góc độ tài chính, các doanh nghiệp hàng không Việt đứng trước tình huống dòng tiền cạn kiệt. Nếu chúng ta không giải ngân vốn, không hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp hàng không thì các doanh nghiệp không đủ khả năng để đáp ứng các khoản chi trả như nợ ngắn hạn ngân hàng, nợ các nhà cung cấp và nợ lương của hàng ngàn lao động.
Khi tình trạng này không được đáp ứng và giải quyết cấp bách thì rủi ro thanh khoản và sự mất mát doanh thu sẽ dẫn đến sự kiệt quệ tài chính. Nếu tình trạng kiệt quệ tiếp tục không được giải quyết thì để lại hậu quả tái cấu trúc tốn kém trong tương lai.
Gặp khó khăn bộn bề khi phần lớn máy bay vẫn phải nằm trên đường băng, chưa biết đến bao giờ mới được cất cánh trở lại, nguồn doanh thu nhỏ giọt còn những khoản vay ngân hàng thì ngày càng đến sát thời hạn thanh toán. Khi những khoản nợ vay này biến thành nợ xấu thì cánh cửa tiếp cận nguồn vốn vay từ phía ngân hàng cũng trở nên rất nhỏ hẹp.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư kí Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, những khoản nợ của các hãng hàng không mà chưa trả được vì không có doanh thu mà nguồn lực đã hết, không thể hoàn thành trả nợ đúng thời hạn quy định sẽ dễ chuyển thành nợ xấu. Điều này cực kì nguy hiểm và gây khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp cận được với những khoản vay của ngân hàng. Bởi doanh nghiệp bay không những gặp khó khăn vì Covid-19 lại tiếp tục gặp khó khăn vì những khoản nợ xấu. Các doanh nghiệp sẽ khó có thể giải quyết các khoản nợ và dẫn tới phá sản.
Tạm kết
Hàng không là một ngành đặc thù có vai trò then chốt của quốc gia không chỉ trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, hàng không cũng có mối quan hệ mật thiết với nhiều ngành nghề khác. Một thống kê cho thấy, 1 việc làm trong ngành hàng không sẽ tạo ra 24 việc làm trong các ngành các liên quan như du lịch, lữ hành, khách sạn, xăng dầu,…Do vậy việc giải cứu các hãng hàng không Việt cũng có những tác động tích cực cho nền kinh tế, góp phần làm ổn định an sinh xã hội.