Theo Bloomberg, “Google của Trung Quốc” – Baidu đang lên kế hoạch về việc tung ra một dịch vụ chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) giống như ChatGPT vào tháng 3 tới đây.
Cổ phiếu của Baidu tăng sau thông tin ra mắt chatbot vào tháng 3
Công ty công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc Baidu có kế hoạch ra mắt ứng dụng kiểu ChatGPT vào tháng 3. Ban đầu, nó sẽ hoạt động như một ứng dụng độc lập. Theo nguồn tin của Bloomberg, sau đó nó sẽ dần hợp nhất vào công cụ tìm kiếm của mình.
Hiện công cụ chatbot này vẫn chưa được đặt tên. Nó giống như nền tảng ChatGPT của OpenAI khi cho phép người dùng nhận kết quả tìm kiếm kiểu hội thoại.
Sau khi Bloomberg đưa thông tin về chatbot này, cổ phiếu của Baidu đã tăng tới 5,8%, đạt mức tăng trong ngày lớn nhất tính trong 4 tuần gần đây.
Theo tìm hiểu, để nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI), Baidu đã chi hàng tỷ USD trong nhiều năm để nâng cấp công nghệ của mình. Theo nguồn tin trong công ty, hệ thống Ernie của họ, một mô hình học máy quy mô lớn đã được đào tạo về dữ liệu trong nhiều năm, sẽ trở thành nền tảng của công cụ giống như ChatGPT sắp tới của họ.
Baidu, Alibaba, Tencent và ByteDance trước đây là những “ông lớn” hàng đầu kiểm soát phần lớn internet của Trung Quốc. Nhưng sau đó, Baidu dần tụt hậu so với các đối thủ của mình. Họ buộc phải tìm cách để lật ngược thế cờ. Gã khổng lồ này ngoài nghiên cứu về AI còn đang tìm cách phát triển công nghệ lái xe tự động.
Ông Robin Li – Giám đốc điều hành của Baidu hồi đầu tháng 12/2022 từng nhắc tới ChatGPT và ví dụ rằng, công cụ này là một “điểm mấu chốt” có thể giúp “gã khổng lồ” quay lại vị thế đứng đầu.
Tuy nhiên, vị CEO cũng cảnh báo, việc thương mại hóa AI bằng cách biến nó thành “sản phẩm mà mọi người cần” có thể sẽ là thách thức lớn.
“Cơn bão” ChatGPT
Kể từ khi ra mắt công chúng vào tháng 11/2022, ChatGPT, công cụ trí tuệ nhân tạo của OpenAI, đã “gây bão” internet. Chỉ trong vài ngày, nó đã thu hút hơn một triệu người dùng, đồng thời khơi mào cuộc tranh luận về vai trò của AI trong trường học, văn phòng và gia đình.
Nhiều ông lớn công nghệ, trong đó có cả Microsoft đã công bố về việc đầu tư hàng tỷ USD để thử nghiệm và phát triển các ứng dụng của chatbot này trong đời sống. Trong khi đó, những công ty khác lại tìm cách tận dụng hiệu ứng từ ChatGPT để thu hút đầu tư.
Trong tháng này, cổ phiếu của Buzzfeed đã tăng hơn gấp đôi sau khi công bố kế hoạch kết hợp ChatGPT vào nội dung của mình.
Người dùng internet Trung Quốc cũng quan tâm tới ChatGPT. Giới trẻ nước này thích chia sẻ những bức ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện hài hước hoặc độc đáo với các chatbot AI trên Weibo hay Wechat. Mặc dù internet trong nước bị kiểm duyệt một cách chặt chẽ nhưng không thể ngăn cản các công ty như Baidu phát triển mạnh tương đương với Google, Amazon, Facebook.
Không chỉ Baidu, một số công ty khởi nghiệp của Trung Quốc cũng đang khám phá AI. Cho đến nay, nó đã thu hút được các nhà đầu tư như Sequoia hay Sinovation Ventures.