Bamboo Airways đặt quyết tâm ngắt lỗ từ năm sau khi có sự hỗ trợ của nhà đầu tư mới là Tập đoàn Him Lam và đối tác từ Nhật Bản.
Hé lộ nhà đầu tư mới của Bamboo Airways
Sáng 21/6 diễn ra phiên họp thường niên của Bamboo Airways. Tại đây, hãng hàng không này đã chính thức tiết lộ danh tính của nhà đầu tư mới.
Chủ tọa đại hội cổ đông – ông Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, nhà đầu tư mới của Bamboo Airways – Tập đoàn Him Lam, ông Dương Công Minh đã mời các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia vào cùng hãng.
Những người này đã cứu Japan Airlines, từ một hãng bay lỗ 12 tỷ USD/năm trở thành một trong những hãng bay hiệu quả hàng đầu thế giới chỉ sau 2 năm. Chuyên gia Nhật Bản sẽthành lập các ủy ban chuyên môn và giúp Bamboo Airways phát triển chuyên nghiệp, có chiều sâu.
Theo đó, hai cựu lãnh đạo Japan Airlines sẽ tham gia vào Bamboo Airways là ông Masaru Onishi, – cựu Chủ tịch hãng bay Nhật Bản và ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của Japan Airlines.
Được biết, ông Oshima được đề cử vào HĐQT Bamboo Airways nhiệm kỳ 2023 – 2028. Ông đã có 36 năm hoạt động trong ngành hàng không Nhật Bản, từng làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể kể đến như điều hành sân bay, quan hệ công chúng, lập kế hoạch, dịch vụ vận chuyển mặt đất, quản trị các văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Ông Trọng nói, 5 năm qua là giai đoạn hình thành phát triển của Bamboo Airways, 5 năm tới sẽ là giai đoạn phát triển theo chiều sâu, hiệu quả, minh bạch.
Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng bỏ phiếu thông qua tờ trình đại hội sáng 21/6. Ảnh: Anh Tú/VnExpress.
CEO Nguyễn Minh Hải cho biết có thể tự đưa Bamboo Airways mang tầm châu Á nhưng việc các chuyên gia Nhật vào doanh nghiệp này sẽ giúp hãng mang tầm châu Á nhanh hơn.
“Với kinh nghiệm của mình, chuyên gia sẽ giúp Bamboo Airways tham gia các liên minh hàng không, hợp tác thương mại với các hãng trên toàn cầu thuận lợi”, ông Hải nói.
CEO tiết lộ kế hoạch điều hành Bamboo Airways giai đoạn tới
Ông Nguyễn Minh Hải được bổ nhiệm làm CEO thay ông Nguyễn Mạnh Quân hồi cuối tháng 5. Trong cuộc họp hôm nay, ông Hải có lần ra mắt đầu tiên. Với bài phát biểu dài gần nửa tiếng trước cổ đông, kế hoạch điều hành Bamboo Airways trong giai đoạn tới đã được ông Hải đã chia sẻ thẳng thắn.
Ông Hải cho hay sẽ xây dựng bộ máy tại Bamboo Airways đoàn kết, nhất trí từ trên xuống dưới; đồng thời khẳng định sẽ cùng với ban điều hành đưa hãng hàng không này về điểm hòa vốn hoặc có lãi từ năm 2024. “Với tôi, đây là pháp lệnh, chứ không phải như hy vọng của HĐQT”, ông nói.
Theo chia sẻ từ ông, việc tái cấu trúc công ty ở thượng tầng đã xong. Ban điều hành giờ có trách nhiệm triển khai xuống cấp dưới theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Bamboo Airways trước đây có 11 cấp nhân viên nhưng nay chỉ còn 6 để điều hành tốt hơn, nâng cao năng suất lao động.
Về khoản lỗ trước thuế khoảng 17.600 tỷ đồng hồi năm ngoái, ông Hải cho hay nó xuất hiện sau khi công ty có sự chuyển giao, tham gia của nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, ông khẳng định đây là khoản lỗ của cả một thời kỳ, không chỉ riêng 2022.
Ông Hải tiết lộ, nhà đầu tư mới đã trích laoaj các khoản dự phòng phải thu khó đòi (ngắn hạn và dài hạn) nhằm làm cho các báo cáo minh bạch hơn, cổ đông có thể đánh giá. Nó còn thể hiện quyết tâm của nhà đầu tư mới tại Bamboo Airways, đó là đi theo hướng chuẩn mực quốc tế, công khai, minh bạch hơn.
Để ngắt mạch thua lỗ cho Bamboo Airways, công ty kiên quyết đi theo hướng tăng quy mô sản xuất, tăng tàu bay. Theo ông Hải, quy mô đội bay 30 chiếc hiện tại không đảm bảo hiệu quả. Nhưng, hãng hàng không này cũng sẽ không tăng tàu bay bằng mọi giá khi mà bối cảnh thị trường thuê mua tàu khan hiếm, giá cao.
Ông đánh giá, ban lãnh đạo hãng giai đoạn 2021-2022 đã chớp được cơ hội thuê tàu giá tốt – mức mà hiện nay không thể thuê được.
Ngoài ra, để hiện thực hóa việc ngắt mạch thua lỗ, Bamboo Airways cũng sẽ chủ động cắt giảm các chi phí. Ông Hải tiết lộ, ban lãnh đạo công ty trong quá trình điều hành sẽ có từng giải pháp cụ thể, trong đó tập trung vào giảm hệ số chi phí trên một ghế cung ứng (CASK).