Hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, nên khách hàng thường rất ngại đọc trước và sau khi mua bảo hiểm, nên thường không nắm rõ quyền lợi của mình cũng như các điều khoản loại trừ mà doanh nghiệp quy định.
Luật pháp vốn rất khô khan, không dễ hiểu và thực sự rất nhạy cảm! Trong lĩnh vực hình sự, một dấu chấm, dấu phẩy trong một điều Luật, có thể quyết định một người phải vào tù hay được tự do! Trong bảo hiểm, cũng vậy, một dấu phẩy trong một hợp đồng bảo hiểm, có thể làm thay đổi quyết định người được bảo hiểm có được chi trả hay không.
Do vậy, khách hàng cũng nên chủ động hiểu kỹ các điều khoản trong Hợp đồng của mình để có thể nắm rõ những quyền lợi mà mình được hưởng. Hãy cùng tìm hiểu về điều khoản loại trừ vi phạm pháp luật trong bài viết dưới đây nhé.
1. Phân biệt lỗi cố ý và lỗi vô ý
Một ví dụ cụ thể, 2 công ty bảo hiểm có quy định loại trừ vi phạm pháp luật như sau:
- Công ty A sẽ không trả quyền lợi tử vong do hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của: Hành vi cố ý, phạm tội của Bên mua bảo hiểm (BMBH), Người được bảo hiểm (NĐBH) và Người thụ hưởng (NTH).
- Công ty B sẽ không trả quyền lợi tử vong do hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của: Hành vi cố ý phạm tội của BMBH, NĐHBH và NTH.
Hai điều khoản này khác nhau ở điều gì? Chắc các bạn phải rất để ý mới nhận thấy có duy nhất một dấu phẩy, giữa 2 từ “cố ý” và “phạm tội”. Chỉ một dấu phảy nhỏ bé đó thôi đã làm cho ý nghĩa của điều khoản này khác xa một trời 1 vực.
- Ở điều khoản công ty A: DNBH loại trừ hành vi cố ý và hành vi phạm tội của các bên được nhắc đến! Điều đó có nghĩa là gì: Tất cả những hành vi dù không phải là phạm tội (nhắc đến phạm tội là chỉ có trong vi phạm pháp luật hình sự thôi nhé), nhưng nếu là hành vi cố ý của các bên mà trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến cái chết của NĐBH thì cũng thuộc điều khoản loại trừ.
- Ở điều khoản công ty B: Công ty chỉ loại trừ hành vi “cố ý phạm tội” (tức là cố ý vi phạm pháp luật hình sự) mà thôi. Ở đây, lỗi của NĐBH mặc dù có thể là cố ý nhưng không hề phạm tội chỉ là vi phạm pháp luật hành chính, thì vẫn không thuộc điều khoản loại trừ của cty B!
Ví dụ cụ thể: Nếu NĐBH vượt đèn đỏ, và bị xe đi theo hướng khác tông trúng và bị chết.
- Trong trường hợp công ty A, hành vi cố ý vượt đèn đỏ của anh ta đã thuộc điều khoản loại trừ rồi, mặc dù hành vi này của anh ta không phạm tội!
- Nhưng nếu anh ta có HĐBH của cty B, thì cty B vẫn phải trả tiền cho NTH, lí do là vì công ty chỉ loại trừ hành vi “cố ý phạm tội”.
Đọc thêm: Bảo hiểm liên kết đơn vị là gì? Xu hướng mới hấp dẫn khi mua bảo hiểm?
2. Phân biệt vi phạm pháp luật và vi phạm pháp luật hình sự
Câu này rất nhiều người nhầm lẫn khi đi tư vấn.
- Vi phạm pháp luật nói chung được xét cả ở 3 lĩnh vực: Hình sự, dân sự và hành chính theo nghĩa rộng. Còn nếu phân biệt theo ngành luật thì còn rất nhiều, ví dụ kinh tế, hôn nhân gia đình, lao động….Nhưng tổng quát, chúng ta có thể quy về 3 lĩnh vực: DÂN SỰ – HÀNH CHÍNH – HÌNH SỰ!
- Vi phạm pháp luật hình sự là vi phạm chỉ ở lĩnh vực hình sự. Để biết hành vi có vi phạm pháp luật hình sự hay không, thì việc đầu tiên phải xem tội danh đó có được quy định tại Bộ luật hình sự hay không!
Vì vậy, hãy xem kĩ điều khoản loại trừ của công ty bạn, xem công ty loại trừ hành vi vi phạm pháp luật hay hành vi vi phạm pháp luật hình sự nhé vì 2 điều này khác nhau rất nhiều.
Dấu hiệu lỗi trong tội phạm được thể hiện dưới 2 dạng: Lỗi cố ý và lỗi vô ý!
- Ví dụ BMBH vì quá hận NĐBH mà lấy thuốc sâu bỏ vào thức ăn của NĐBH, dẫn đến NĐBH chết. BMBH đã giết người. Đây là lỗi cố ý! (Tội giết người luôn luôn là lỗi cố ý)
- Ví dụ khác BMBH mua thuốc sâu về để phun lúa, do cẩu thả nên vứt lọ thuốc sâu ở trên bàn. NĐBH đi làm về mệt, uống nhầm và bị chết. Lúc này BMBH đã phạm tội “vô ý làm chết người”. Lỗi ở đây là lỗi vô ý! Công ty B không được phép loại trừ vì điều khoản có ghi rõ là “hành vi cố ý phạm tội”
Quay trở lại ví dụ vượt đèn đỏ, nếu như công ty nào loại trừ Vi phạm pháp luật nói chung, thì rõ ràng hành vi vượt đèn đỏ thuộc điều khoản loại trừ rồi, nhưng ở công ty nào chỉ loại trừ Vi phạm pháp luật hình sự, thì vẫn phải chi trả bình thường nhé!
Nguồn: FB Lê Thị Kim Ngân